Sinh viên quản lý chi tiêu thế nào để thật hiệu quả?
Quản lý chi tiêu là kỹ năng quan trọng mà các bạn sinh viên cần trang bị ngay từ khi còn đi học. Tham khảo bài viết sau đây để quản lý chi tiêu thật hiệu quả nhé!
Lập ngân sách chi tiêu
Để tránh tình trạng bội chi hàng tháng, bạn nên xác định được các khoản chi phí cố định như: tiền thuê nhà, tiền thanh toán tiền điện thoại trả sau, tiền mạng internet, tiền điện, tiền nước… Sau khi đã xác định được chi phí cố định, bạn mới bắt đầu lên kế hoạch chi tiêu với số tiền còn lại sao cho phù hợp nhất.
Bạn nên lập ngân sách chi tiêu để có thể phân chia một cách khoa học các khoản thu chi hàng tháng. Việc này cũng sẽ giúp bạn hình thành được kỹ năng quản lý chi tiêu lành mạnh, tránh phải đối mặt với tình trạng bội chi. Thói quen này sẽ giúp bạn có thể dự phòng được các khoản chi phí cố định, không bị động trước các khoản chi.
Tiết kiệm các loại chi phí
Chi phí thuê phòng trọ
Khoản chi phí cố định lớn nhất mà sinh viên phải đối mặt là tiền thuê phòng trọ hàng tháng. Để giảm chi phí thuê trọ xuống mức thấp nhất, bạn có thể đăng ký ở ký túc xá của trường hoặc ở ghép với nhiều người. Việc ở ghép sẽ giúp bạn giảm gánh nặng phí thuê nhà để tiết kiệm được thêm một khoản tiền hàng tháng. Ngoài ra, việc ở ghép còn giúp bạn bớt cô đơn và có người chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật.
Khi tìm phòng trọ, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng, so sánh mức giá giữa các bên cho thuê, bao gồm cả các khoản phụ phí như: tiền mạng internet, giá điện, giá nước, tiền vệ sinh... để tiết kiệm nhất. Bạn nên chọn thuê phòng trọ của hộ gia đình để tiết kiệm một khoản chi phí điện, nước, internet.
Chi phí đi lại
Sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện trên cao cũng là một trong những cách tiết kiệm chi tiêu cho sinh viên. Điều này sẽ giúp bạn vừa tiết kiệm được chi phí đi lại, vừa góp phần bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông. Nếu ở gần trường học, bạn nên đi bộ hoặc tự đạp xe đến trường.
Chi phí phục vụ việc học tập
Tiền mua sách vở, giáo trình cho mỗi môn học tuy nhỏ, nhưng khi cộng gộp lại tất cả các môn học thì lại là một khoản tiền lớn. Vì vậy, bạn có thể tìm đến các giải pháp hữu ích hơn để tiết kiệm như: mượn giáo trình từ thư viện nhà trường; xin giáo trình, tài liệu tham khảo từ các anh chị khóa trên, photo giáo trình hoặc mua lại giáo trình cũ với giá rẻ. Nếu giáo trình của bạn sau khi kết thúc môn học vẫn còn mới thì có thể bán lại cho những sinh viên khác, tiệm sách cũ hoặc đăng bán trên các hội nhóm bán sách cũ…
Bên cạnh đó, hãy hạn chế việc thi lại, học lại để không mất nhiều tiền bởi phí học lại, thi lại sẽ cao hơn 1,5 - 2 lần so với học phí lần đầu nên nếu không thi qua môn
Chi phí ăn uống
Để tiết kiệm chi phí ăn uống hàng tháng, bạn nên tập thói quen tự mua đồ ăn tươi sống ngoài chợ và dành thời gian nấu ăn tại nhà. Thói quen này vừa giúp đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tốt cho sức khỏe; vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Phần chi phí tiết kiệm được từ những bữa ăn hàng đắt đỏ không đáng có sẽ giúp bạn có thêm khoản tiền để phục vụ các mục đích cá nhân khác.
Săn mã giảm giá, so sánh giá trước khi mua
Các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki thường xuyên đưa ra những chương trình khuyến mại hàng tháng để giảm giá một số mặt hàng thiết yếu. Các bạn sinh viên hãy theo dõi và nắm bắt cơ hội này để mua sắm trực tuyến với nhiều mã giảm giá, được miễn phí vận chuyển... Từ đó, bạn có thể tiết kiệm được khoảng 10 - 15% số tiền so với mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.
Khi lựa chọn mua hàng trực tuyến, bạn nên so sánh giá của sản phẩm đó trên các cửa hàng khác nhau để chọn ra mức giá hợp lý và ưu đãi nhất để mua. Lưu ý khi mua hàng giảm giá, bạn cần xem xét kỹ nơi mua uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đừng vì ham rẻ mà mua phải những món đồ kém chất lượng, việc mua đồ rẻ nhưng không bền sẽ còn khiến bạn tốn kém hơn rất nhiều.
Tận dụng sức mạnh của thẻ sinh viên
Tận dụng thẻ sinh viên sẽ giúp bạn tiết kiệm thêm được một khoản tiền nhỏ để dành cho các việc khác của mình. Thẻ sinh viên sẽ giúp bạn được giảm giá, thậm chí miễn phí khi sử dụng một số dịch vụ như: tham quan nhà tù Hỏa Lò, tham quan khu di tích lịch sử, giá vào cửa Công viên Thủ Lệ… Bên cạnh đó, một số rạp chiếu phim như BHD, CGV, Lotte, Beta... cũng luôn đưa ra những mức giá khuyến mại, giảm giá vé cực ưu đãi cho sinh viên.
Khi sử dụng phương tiện công cộng, giá vé dành cho đối tượng học sinh, sinh viên cũng rẻ hơn rất nhiều so với người khác.
Đi làm thêm để tăng thu nhập
Bên cạnh các biện pháp tiết kiệm thì tạo thêm nguồn thu nhập cũng là một cách hiệu quả để quản lý chi tiêu cá nhân. Làm thêm không chỉ đem lại cho các bạn sinh viên nguồn thu nhập mà còn giúp mở rộng vốn hiểu biết, tạo ra các mối quan hệ, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng mềm.
Bạn nên lựa chọn những công việc part-time để có thời gian linh hoạt hơn. Nếu có thể, bạn hãy chọn những công việc có liên quan trực tiếp đến chuyên ngành học của mình để tích lũy thêm kinh nghiệm hữu ích và tăng giá trị bản thân sau khi tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý cân bằng giữa việc học tập và làm thêm, đừng nên quá chú trọng vào chuyện tiền bạc mà bỏ bê công việc chính là học tập.
Tận dụng những app quản lý chi tiêu
Hiện nay trên thị trường có nhiều những ứng dụng quản lý tài chính hay và mang hiệu quả cao. Có thể điểm danh một vài ứng dụng như: Money Lover, HomeBudget, Fast Budget, Level Money, Sổ thu chi Misa,…