Thứ tư, 01/02/2023, 05:30 (GMT+7)

Tiết kiệm có phải là một “trăn trở” của những người trẻ?

(Tiếp thị gia đình) - Ngày nay, tiết kiệm không chỉ là nỗi lo của những người đã lập gia đình, mà còn là điều mà các bạn trẻ cũng đang trăn trở. Vì sao người trẻ không thể tiết kiệm thành công, hãy cùng Tiếp thị và Gia đình tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Đối với người trẻ đang sống cùng gia đình

Chi tiêu quá nhiều

Thế hệ trẻ đã từng ít nhất một lần được nghe câu: “Đi làm mà chả để được đồng nào, hồi bằng tuổi cháu bác chỉ dám ăn ít thôi còn lại bao nhiêu tiết kiệm hết”, hay đã từng bị so sánh với các thế hệ trước trong việc tiết kiệm. Có một sự thật đó là những người trẻ rất khác so với ông bà bố mẹ.

Thế hệ đi trước đã từng phải trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, sự khó khăn của những ngày tháng ấy đã hình thành nên thói quen tích lũy bởi khi ấy họ luôn sống trong trạng thái lo lắng không biết ngày mai sẽ ra sao. Hơn hết, họ đã thấu hiểu được những thiệt thòi trong quãng thời gian đó nên họ càng khao khát cho con cháu của mình cuộc đời tốt đẹp hơn.

Đối với những người trẻ, họ được sinh ra và lớn lên trong những năm tháng ổn định, mặc dù thế giới vẫn luôn có những biến động về an ninh, kinh tế, văn hóa nhưng trong quá trình trưởng thành của họ, mỗi ngày mở mắt ra không cần phải lo lắng xung quanh là bom rơi đạn lạc. Sự khác biệt trong hoàn cảnh đã hình thành những cách biệt trong quan điểm sống của hai thế hệ, trong đó có thói quen tiết kiệm.

Thế hệ trẻ muốn nhiều hơn là việc chỉ tồn tại qua ngày. Đối với họ, tiền bạc không phải là vấn đề, họ ưu tiên những thứ có giá trị sử dụng và chất lượng tốt. Ví dụ như việc có một số bạn trẻ luôn thay mới điện thoại mỗi khi hãng công nghệ mà họ yêu thích có sản phẩm mới, họ luôn mong muốn cao hơn về chất lượng và mẫu mã của thứ mà họ sử dụng kể cả số tiền họ phải bỏ ra là rất nhiều. Một điểm khác biệt khá lớn giữa hai thế hệ đó là hàng hóa ngày nay đắt hơn ngày trước rất nhiều. Nếu với thế hệ trước, 5 nghìn đồng là đủ để mua một bữa sáng thì hiện tại, 5 nghìn có khi chỉ đủ trả tiền gửi xe. Việc người trẻ không thể tiết kiệm có những nguyên nhân khách quan đến từ hoàn cảnh xã hội chứ không phải hoàn toàn do thói quen tiêu xài phung phí.

Tuy quan điểm về tiết kiệm và hoàn cảnh khó có thể thay đổi ngày một ngày hai, nhưng nếu những người trẻ muốn tiết kiệm thì nên tìm hiểu thật kĩ cách thức và điều kiện của bản thân. Các bạn hãy tham khảo ý kiến của nhiều người để có lựa chọn đa dạng hơn và biết phương án nào phù hợp nhất với bản thân. Ngoài ra, các bạn hãy cắt giảm chi tiêu, tối giản trong lối sống, hạn chế những buổi mua sắm, tụ tập không có mục đích để tránh lãng phí tiền bạc.

nguoi-tre-tiet-kiem-1

Ngụy biện lý do "tuổi còn trẻ chưa cần tiết kiệm"

Bên cạnh những lý do khách quan, thất bại trong tiết kiệm của người trẻ còn đến từ những lý do chủ quan, trong đó, cái cớ lớn nhất cho điều này chính là "tuổi trẻ". Một số bạn trẻ thường cho rằng vì mình còn nhiều thời gian nên có thể bắt đầu tiết kiệm lúc nào cũng được. Tuổi trẻ là trải nghiệm vì vậy để theo đuổi được những mong muốn của bản thân, phải trả bao nhiêu họ cũng chấp nhận. Tích lũy không phải là ngày một ngày hai có được ngay, nếu bạn xuất phát càng muộn thì thành quả thu về càng ít. Rất nhiều người trẻ cũng vì chạy theo những thứ bản thân yêu thích, đánh đổi quá nhiều tiền bạc và thời gian, đến lúc nhận ra thì đã quá muộn. Nhiều bạn cho rằng, tiết kiệm là việc nên làm khi đủ trưởng thành hoặc khi ở độ tuổi trung niên, cái độ tuổi mà ở nước ta, phần lớn họ đã có gia đình, ổn định về tài chính và có thừa tài sản để gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu để đến lúc có gia đình mới bắt đầu tiết kiệm thì đã khá muộn và khi ấy bạn sẽ có thêm nhiều khoản cần chi tiêu cho gia đình nữa nên sẽ khó tiết kiệm hơn so với lúc bạn chưa lập gia đình.

Vì vậy, nếu có thể thì bạn hãy bắt đầu tiết kiệm ngay từ bây giờ để những vấn đề tài chính phát sinh trong tương lai bớt nặng nề hơn nhé!

nguoi-tre-tiet-kiem tiep thi gia dinh
Ảnh minh hoạ

Chưa có kế hoạch cho tương lai

Một số bạn trẻ đang rơi vào tình trạng chưa có định hướng lâu dài mà họ chỉ luôn nhìn vào những thứ trước mắt. Họ chưa có dự tính gì cho sau này vì vậy những việc cần làm để chuẩn bị cho một tương lai ổn định như việc tiết kiệm cũng chưa hề nằm trong danh sách những điều phải thực hiện của họ. Những bạn trẻ ấy thường cảm thấy mông lung về hành trình phía trước, không biết phải bắt đầu từ đâu, bởi họ chưa có những áp lực về tiền nhà hay tiền học. Những công việc làm thêm trong khi còn đang đi học chỉ đủ để họ sinh hoạt hay mua sắm cho bản thân. Chưa kể, nếu khoản tiền ấy không đủ thì họ cũng chẳng cần phải quá lo lắng vì bên cạnh luôn có một ngân hàng không bao giờ lấy lãi mang tên “người thân”.

Không chủ động đặt kế hoạch cho tương lai rất dễ khiến bạn rơi vào tâm lý ỷ lại, thích dựa dẫm vào người khác, nhất là khi bạn có suy nghĩ yên tâm rằng phía sau luôn có trụ cột vững chắc là gia đình để bạn nương tựa vào trong tất cả mọi khía cạnh kể cả vấn đề tài chính. Nếu chưa thể độc lập về tài chính thì ít nhất bạn cũng không nên trở thành một gánh nặng trong gia đình. Những khoản cố định như học phí hay phí sinh hoạt hằng ngày đã có người thân hỗ trợ, vì vậy những việc khác cần chi tiêu cho cá nhân bạn nên tự sắp xếp. Ngoài ra, bạn cũng nên để một quỹ mà số tiền trong đó không cần quá lớn làm quỹ tiết kiệm. Mỗi tháng bạn có thể để ra một chút để từ từ xây dựng một khoản tiết kiệm riêng cho bản thân. Đây cũng là một cách để bạn bắt đầu làm quen với quản lý chi tiêu cá nhân và giúp bạn bớt phụ thuộc vào gia đình.

nguoi-tre-tiet-kiem tiep thi gia dinh
Ảnh minh hoạ

Đối với người trẻ ở riêng

Tiền lương không đủ để mở quỹ tiết kiệm

Những bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, lên thành phố để học tập và làm việc đã phải làm quen với việc tự lập từ sớm. Sống xa gia đình là điều không hề dễ dàng, nhất là với giai đoạn đầu khi họ mới làm quen với điều kiện sống khác hẳn với ở nhà, họ sẽ cảm thấy lạ lẫm và đôi lúc khó khăn. Hầu như, họ sẽ kiếm một công việc làm thêm để cuộc sống của mình không rơi vào tình trạng thiếu thốn. Tại những thành phố lớn, mức sống cao nên hàng hóa cũng có giá thành tương ứng, những bạn sinh viên xa nhà chắc hẳn luôn cảm thấy đau đầu vì “mê cung” cơm áo gạo tiền, lương làm thêm nhiều lúc không đủ để chi trả cho sinh hoạt hằng ngày. Tính toán chi tiêu sao cho đủ đã là một bài toán khó, nếu phải thêm một quỹ tiết kiệm nữa thì các bạn trẻ có thể sẽ cảm thấy bị vượt quá khả năng tài chính của bản thân. 

Vấn đề tiền lương không thể thay đổi ngay vì có nhiều bạn vẫn đang phải vừa học vừa làm nên chỉ có thể làm những công việc bán thời gian với lương tháng không quá cao. Tuy vậy, các bạn hãy thay đổi từ những hành động nhỏ hằng ngày. Dẫu biết tuổi trẻ là vui chơi và trải nghiệm nhưng bạn hãy cân nhắc mức độ cần thiết của những buổi tiệc tùng hay những chầu cà phê có giá bằng mấy bữa ăn nhé!

nguoi-tre-tiet-kiem tiep thi gia dinh

Có quá nhiều khoản cần phải chi tiêu

Như đã đề cập ở phần trên, cuộc sống tại thành phố của các bạn trẻ vấp phải những khó khăn về tài chính. Họ có quá nhiều khoản quan trọng phải chi tiêu như: tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, học phí,… Một số khoản tiền có thể sẽ phát sinh thêm trong tháng như tiền lo thuốc thang chữa bệnh nếu chẳng may bị ốm, hay tiền sửa đồ đạc nếu chúng bị hỏng. Vì vậy, đối với nhiều bạn trẻ, tiết kiệm là điều không thể vì ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra mà tiết kiệm.

Dù hoàn cảnh có vẻ như không cho phép họ tiết kiệm nhưng không phải là không có cách. Các bạn hãy để ý thói quen hằng ngày của mình xem có phải bản thân đang vô tình lãng phí tiền bạc hay không. Tắm quá lâu hoặc quên tắt những thiết bị điện không cần thiết có thể là một trong số những nguyên nhân khiến sinh hoạt phí của bạn trở nên đắt đỏ. Ngoài ra, nếu có thể thì hãy mua nguyên liệu về nhà để chế biến thay vì thường xuyên ăn uống bên ngoài, vừa tốn kém mà vệ sinh cũng không được đảm bảo chắc chắn. Hoàn cảnh có thể khó thay đổi nhưng bạn hoàn toàn có thể làm chủ được hành vi của bản thân, việc sinh hoạt tiết kiệm cũng là một cách giúp bạn cải thiện cuộc sống của mình và có thể giúp bạn phát triển bản thân hơn.  

nguoi-tre-tiet-kiem-5
Cùng chuyên mục