‘Quán quân giàu nhất Olympia’ (Bài 2) - Hợp đồng triệu đô với Google và những kế hoạch trở về
Tròn 20 năm sau khi viết nên “câu chuyện cổ tích” tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia, quán quân mùa 6 Lê Vũ Hoàng nhân chuyến trở về nước đã có cuộc chia sẻ với Tiếp thị & Gia đình về lời đồn “lấy vợ hot girl”, là “quán quân Olympia giàu nhất” hay chuyện hợp đồng triệu đô với gã khổng lồ Google và cả thương vụ bạc tỷ đầu tiên trên quê hương Việt Nam.
Nếu bài viết trước "quán quân giàu nhất Olympia" đã chia sẻ về cuộc sống đời thường nơi xứ người, hé lộ một phần dự án đầu tiên quê hương, thì trong phần 2 này, độc giả sẽ hiểu thêm về công việc, công ty của Hoàng, những dự định về nước trong tương lai hay là bản hợp đồng triệu đô với Google...
Trở lại với dự án đầu tiên của Lê Vũ Hoàng ở Việt Nam, tại sao lại “ưu ái” quê vợ Thanh Hoá trong khi Quảng Bình quê Hoàng cũng có nhiều cây cầu cần được trang điểm, làm đẹp?
Nói “ưu ái” quê vợ cũng chỉ có một phần. Nhưng dự án này là dự án dùng vốn đầu tư công, thông tin chào thầu công khai và công ty em cũng dựa vào năng lực và làm tuần tự các thủ tục để đấu thầu.
Trong chuyến về nước lần này, chúng em cũng đã đi khảo sát một số địa phương, trong đó có Quảng Bình quê em.
Nhiều dự án du lịch, phố đi bộ, tượng đài, giao thông đô thị, thành phố thông minh cũng đã “vào tầm ngắm” bởi đây là thế mạnh của công ty, với những công nghệ tiên tiến nhất mà thế giới hiện có. Chúng em cũng đang tìm kiếm các đối tác trong nước để đặt hàng sản xuất khi có dự án và dung lượng thị trường đủ lớn.
Hệ thống chiếu sáng thông minh là một trong những sản phẩm chủ lực của bên em. Hệ thống này kết nối tất cả các bóng đèn qua mạng IoT, cho phép kiểm soát và quản lý hiệu quả lượng điện năng tiêu thụ theo thời gian thực. Ví dụ, khi mật độ giao thông giảm, hệ thống có thể tự động giảm độ sáng của các bóng đèn tại khu vực đó.

Theo ước tính, việc kiểm soát công suất chiếu sáng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí so với đèn truyền thống, đồng thời giảm chi phí bảo dưỡng và vận hành. Bằng cách theo dõi mức tiêu thụ của từng bóng đèn, hệ thống có thể đánh giá xem đèn có hoạt động đúng công suất không, đã đến thời điểm bảo dưỡng hay chưa, hoặc phát hiện sớm các lỗi như quá nhiệt, hoạt động sai lịch trình. Nhờ vậy, người vận hành quản lý hệ thống chiếu sáng hiệu quả hơn, tối ưu hóa năng lượng và giảm thiểu lãng phí.
Mạng IoT này không chỉ dành riêng cho bóng đèn, mà những thiết bị quan trắc cho đô thị, ví dụ như các cảm biến đỗ xe lòng đường, cảm biến chất lượng nước và không khí, hoặc là camera an ninh giao thông, tất cả mọi thứ đều có thể kết nối được với nhau, giúp cơ quan quản lý có một bức tranh tổng quát.
Từng có thông tin Hoàng đã tìm kiếm địa điểm tại Thanh Hoá để xây dựng nhà máy công nghệ cao, thực hư thế nào?
Lúc đấy là 3 năm trước, em có về Việt Nam để tìm kiếm một cơ hội, một đối tác để mình cùng làm một cơ sở sản xuất, 1 trung tâm để bắt đầu nghiên cứu, sản xuất những thiết bị điện tử IOT.
Tuy nhiên nó có nhiều cái khó khăn. Sau khi tính toán lại, điều này chưa khả thi vì nhiều yếu tố. Thứ nhất là về nguồn phụ trợ bên ngoài. Ví dụ như nếu ở Hà Nội, TP.HCM thì mình có thể sẽ có nhiều nhà cung cấp và đối tác hơn và mọi thứ nó sẽ thuận lợi hơn.
Thứ hai là cái vấn đề về con người, việc tìm kiếm nhân lực và những người hợp tác cùng cũng gặp nhiều khó khăn, bởi mình cũng chưa thể sát sao được. Nguyên nhân là vì thực ra trung tâm R&D chính của công ty vẫn ở bên Úc cho nên mình cũng khó có thể nào mà quản lý cả hai chỗ hiệu quả hơn được.
Bởi vậy, con đường trước mắt có thể là tìm cách hợp tác với một đối tác thương mại hoặc lập một văn phòng đại diện ở Việt Nam thì sẽ phù hợp hơn.
Vậy thời điểm này quy mô của công ty thế nào?
Quy mô công ty cũng nhỏ bởi đặc thù của ngành này cũng không cần quá lớn. Khi mà cần thì mình lại outsource ra những đơn vị khác, còn mình nắm những phần lõi ví dụ như R&D, bán hàng và hỗ trợ kỹ thuật. Khi có 1 số lượng đơn đặt hàng lớn thì mình có thể outsource để sản xuất trong các nhà máy ở Trung Quốc hoặc thậm chí ở Việt Nam.
Hoàng có thể chia sẻ một chút về các dự án khác mà công ty ở Úc từng thực hiện?
Một trong những dự án đáng nhớ mà công ty tham gia đó là cung cấp camera cảm ứng nhiệt cho trụ sở chính của Google. Đây là một dự án nhiều triệu USD và có sự liên danh nhiều bên, song cũng là một trong những dự án có thể nói là tâm đắc của công ty.
Ngoài mảng chiếu sáng đô thị thông minh, IoT, thì ở bên Úc công ty cũng làm dịch vụ phần mềm. Chúng em cung cấp dịch vụ phần mềm chuyển đổi số cho các cơ quan chính phủ Úc.
Hiện tại ở Úc thì vấn đề chuyển đổi số đã đạt được một tầm khá cao, thông suốt trong tất cả những cơ quan ban ngành từ chăm sóc sức khỏe, y tế, rồi thuế, bằng lái xe.

Với những ngành công nghệ cao như thế thì rõ ràng cơ hội để phát triển trong nước rất lớn, bởi Chính phủ điện tử, các dự án như đường sắt sắp tới cũng vậy…
Đúng thế. Chuyến đi vừa rồi chúng em đã tìm hiểu và cũng hy vọng sẽ kết nối được với nhiều hơn những đối tác trong ngành công nghệ để có thể cùng nhau làm được những dự án thiết thực cho Việt Nam.
Thời điểm này cũng là dịp 20 năm ngày Hoàng bước lên đỉnh Olympia, Hoàng còn điều gì muốn chia sẻ với các bạn trẻ, như Hoàng của ngày ấy không?
Khi mình nhìn lại, giả sử như 20 năm trước, mình có ai dẫn dắt, có được sự mở rộng thông tin mở như hiện nay thì mình sẽ có những định hướng nghề nghiệp, định hướng học tập sẽ rõ ràng hơn và cơ hội phát triển còn rộng mở hơn.
Hiện tại các bạn trẻ được tiếp cận với thông tin, cũng như kho công nghệ rất rộng mở, khác rất nhiều với cơ hội tiếp cận thông tin của mình 20 năm trước. Cho nên, nếu có lời khuyên với các bạn trẻ thì em mong là các bạn hãy tận dụng cái cơ hội này để tích lũy kiến thức và tăng cường tự học những kỹ năng mà mình có thể tìm thấy rất dễ dàng trên mạng như là tiếng Anh, lập trình hoặc là những kỹ năng sống. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình học tập và lập nghiệp sau này.