Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 11/09/2024, 15:50 (GMT+7)

Những vi phạm nào khiến Phòng khám Phục hồi chức năng 360 bị phạt nặng, tước chứng chỉ hành nghề bác sĩ chuyên môn?

Phòng khám chuyên khoa Phục hồi chức năng 360 bị xử phạt 60 triệu đồng, tước chứng chỉ hành nghề của bác sĩ phụ trách chuyên môn trong thời gian 2 tháng do quảng cáo dịch vụ đặc biệt (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh) mà không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

Quảng cáo trái phép, loạt phòng khám chuyên khoa ở Hà Nội bị “sờ gáy”

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa công khai danh sách tổng hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng loạt cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố (từ ngày 19/8 - 30/8) với tổng số tiền phạt lên tới 254 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến việc không tuân thủ quy định về quản lý chuyên môn và quảng cáo, đồng thời có những sai phạm về quản lý thuốc và dược phẩm, theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội.

Đáng chú ý, trong danh sách trên, Phòng khám chuyên khoa Phục hồi chức năng 360 thuộc Công ty CP Phát triển Y học 360 (địa chỉ tại số 30, ngõ 120, phố Tân Mai, quận Hoàng Mai) bị xử phạt nặng nhất với số tiền 60 triệu đồng. Đồng thời, bác sĩ phụ trách chuyên môn của phòng khám bị tước chứng chỉ hành nghề trong thời gian 2 tháng, và cơ sở phải gỡ bỏ các nội dung quảng cáo trên internet.

Lý do là người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có mặt trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật; quảng cáo dịch vụ đặc biệt (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh) mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

pk
Phòng khám chuyên khoa Phục hồi chức năng 360 thuộc Công ty CP Phát triển Y học 360 (địa chỉ tại quận Hoàng Mai) bị xử phạt nặng 60 triệu đồng. Đồng thời, bác sĩ phụ trách chuyên môn của phòng khám bị tước chứng chỉ hành nghề trong thời gian 2 tháng, và cơ sở phải gỡ bỏ các nội dung quảng cáo cáo vi phạm. Ảnh: Internet.

Tiếp đó, Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Royalman (địa chỉ tại tầng 3, số nhà 90 phố Trung Phụng, phường Trung Phụng, quận Đống Đa) và Công ty CP hệ sinh thái kinh doanh Spa Sbe (số 22 ngách 52, ngõ 63 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) cùng bị xử phạt ở mức 45 triệu đồng. Nguyên do, cả 2 cơ sở này vi phạm quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Riêng Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trực thuộc Công ty TNHH Royalman còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, nội dung quảng cáo trên internet.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH thương mại dược phẩm T&T Việt Nam (trụ sở tại tầng 1 số 60 Khúc Thừa Dụ, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 34 triệu đồng do không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật; bán thuốc kê đơn (cụ thể là thuốc Klamentin 1g) khi không có đơn thuốc.

Cùng đó, Công ty TNHH dược phẩm & thiết bị y tế Trường Giang (số 38 ngõ 17 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) bị xử phạt 15 triệu đồng do không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật.

Cùng mắc lỗi vi phạm không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật, 6 cơ sở kinh doanh dược bị xử phạt ở mức 7,5 triệu đồng/cơ sở. Đó là: Nhà thuốc Thu Huyền (số 55/673 đường Cổ Điển, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì); quầy thuốc Nguyễn Văn Tân (Km 6, QL2, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn); quầy thuốc Nguyễn Hiền (thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh); nhà thuốc Tuệ Minh (L1-03LK Goldsilk Complex số 430 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông); nhà thuốc Phạm Đô (số 49 Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông); quầy thuốc Anh Đào (số 91 ngõ 634 Kim Giang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).

Riêng Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt trực thuộc Công ty TNHH Kaeng Nam International Clinic (tầng 5, số 206A đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 4 triệu đồng do lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cơ sở dược liệu của ông Nguyễn Quốc Uy (số 17 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông) bị xử phạt mức 4 triệu đồng do bán dược liệu đã qua sơ chế không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; không lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định. Công ty TNHH Y Dược Quốc tế Đông Nam (số 21 ngách 290/11 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình) bị xử phạt 2 triệu đồng do buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ và ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa...

Quảng cáo dịch vụ đặc biệt không phép bị xử lý thế nào?

Theo khoản 12 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, đơn cử như: thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định điều kiện chung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như sau: Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật…

Trong khi đó, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 123/2018/NĐ-CP) quy định, các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt cần phải được cấp phép giấy xác nhận nội dung quảng cáo bao gồm: Thuốc; mỹ phẩm; thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; trang thiết bị y tế; sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư thú y; phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Về hình thức xử phạt, theo Điều 49 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt sẽ bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Cùng đó, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 1 - 3 tháng nếu quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng; và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định nêu trên.

Mức phạt vi phạm hành chính nêu trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt với tổ chức gấp 2 lần mức phạt với cá nhân (khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định số 128/2022/NĐ-CP).

Cùng chuyên mục