Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 28/12/2023, 15:18 (GMT+7)

Nguyên nhân cơm bị sống khi nấu nồi cơm điện và cách khắc phục

Khi nấu cơm với nồi cơm điện, một số trường hợp như cơm không chín, hạt sống và hạt chín không đều… có thể diễn ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân khiến cơm bị sống khi nấu nồi cơm điện

Sử dụng lượng nước quá ít

Việc cơm được nấu với lượng nước quá ít là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cơm bị sống, sượng và khô cứng.

com-song_11zon
Có nhiều nguyên nhân khiến cơm bị sống khi nấu bằng nồi cơm điện (Ảnh: Sưu tầm)

Cách khắc phục:

Nhiều người thường đong tỷ lệ gạo với nước theo cảm tính, do vậy cơm dễ bị nhão, nát hoặc sống, khô. Để khắc phục vấn đề này, bạn nên dùng cốc đong gạo đi kèm với nồi và thêm nước theo số vạch bên trong nồi. 

Ngoài ra, tùy theo mỗi loại gạo sẽ phù hợp với một lượng nước khác nhau nên bạn cần lưu ý xem kỹ hướng dẫn trước khi nấu với nồi cơm điện.

Nguồn điện không ổn định

Nếu cơm đã được cắm điện với khoảng thời gian cần thiết song vẫn chưa được nấu chín, nguyên nhân có thể đến từ việc dây điện bên trong bị đứt. Trường hợp nồi không nóng trong khi đèn báo hiệu vẫn sáng, có thể cầu chì hoặc công tắc của nồi đã bị hỏng.

Cách khắc phục:

Bạn nên gọi thợ hoặc đưa ra trung tâm để được bảo hành, sửa chữa nồi nhanh chóng.

Mâm nhiệt gặp vấn đề

Mâm nhiệt bị hỏng khiến nồi bị giảm nhiệt đột ngột, khiến cơm sẽ bị sống, sượng. Đồng thời, việc mâm nhiệt bị bẩn cũng khiến nó hoạt động kém hiệu quả. 

Cách khắc phục:

Lúc này, bạn cần sử dụng khăn mềm và lau sạch mâm nhiệt cùng lòng nồi rồi mới tiến hành nấu cơm.

Đáy nồi bị móp

Trong quá trình sử dụng và vệ sinh, phần đáy của ruột nồi cơm dễ bị móp, biến dạng. Khi bạn sử dụng nó để nấu cơm, bề mặt nồi với mâm nhiệt sẽ có sự tiếp xúc kém, nhiệt được truyền không đều dẫn đến tình trạng cơm bị sống.

Cách khắc phục:

Nếu đáy nồi bị móp, biến dạng nhiều, cách khắc phục duy nhất để có những bữa cơm ngon, chất lượng chỉ là bạn cần mua nồi cơm điện mới để thay thế.

Mẹo khắc khắc phục tình trạng cơm bị sống 

Sử dụng nước sôi

Đối với phương pháp sử dụng nước sôi, bạn nên áp dụng trong trường hợp toàn bộ cơm trong nồi đều bị sống.

com-song
Phương pháp sử dụng nước sôi được áp dụng trong trường hợp toàn bộ cơm trong nồi đều bị sống

Lưu ý, không dùng nước lạnh để nấu lại cơm sống, bởi nó khiến gạo không thể nở ra được mà chỉ ngậm nước khiến hạt phình ra và bị nhão.

Các bước thực hiện:

  • Bước 1: Đổ từ từ nước sôi vào nồi cơm cho đến khi nước ngập gạo, vừa đổ vừa dùng đũa đảo đều cơm.

  • Bước 2: Tiến hành cắm lại nồi cơm và ấn nút Nấu/Cook

Sau khoảng 20 phút nấu, nồi chuyển sang chế độ ủ ấm, bạn có thể mở nồi kiểm tra xem cơm đã chín hay chưa.

Sử dụng nồi hấp 

Phương pháp sử dụng nồi hấp sẽ phù hợp với trường hợp một phần cơm bị sống (ví dụ: phần cơm trên cùng, ở giữa...)

Các bước thực hiện:

  • Bước 1: Dùng đũa xới tơi phần cơm

  • Bước 2: Cho cơm lên xửng hấp và dàn đều 

  • Bước 3: Đổ nước lên khoảng ⅓ lòng nồi

  • Bước 4: Bật bếp, hấp với lửa vừa trong vòng khoảng 15 phút

Lưu ý, trong khi đang hấp, tránh việc mở nắp nồi sẽ khiến nồi mất hơi và khó khắc phục tình trạng bị sống trước đó.

Sử dụng lò vi sóng

Các trường hợp một phần cơm bị sống, hạt cơm vẫn còn nước, không bị quá khô, bạn nên khắc phục bằng cách sử dụng lò vi sóng.

com-song 2
Khắc phục bằng cách sử dụng lò vi sóng cũng là một phương pháp hiệu quả (Ảnh: Sưu tầm)

Các bước thực hiện:

  • Bước 1: Đặt phần cơm vào bát có chất liệu chuyên dụng cho lò vi sóng để đảm bảo an toàn

  • Bước 2: Dùng 2 miếng khăn xô hoặc khăn chuyên dụng, ngâm vào nước sạch, vắt một ít nước lên cơm

  • Bước 3: Đặt bát cơm vào lò vi sóng, đậy kín bằng 2 miếng khăn 

  • Bước 4: Bật lò vi sóng khoảng 2 phút sau đó kiểm tra lại, nếu hạt cơm nở đều, mềm dẻo tức cơm đã chín.

Cùng chuyên mục