Fandom: Nhóm người tiêu dùng ‘chịu chơi - chịu chi’, thương hiệu nào cũng muốn
Các thương hiệu đang hướng đến xây dựng cộng đồng người tiêu dùng “Fandom” nhằm lan tỏa các chiến dịch truyền thông, nâng cao doanh thu.
Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ âm nhạc, điện ảnh hay thể thao… chúng ta đều thấy được sức mạnh của cộng đồng người hâm mộ - Fandom. Nắm bắt được cơ hội tiềm năng từ nhóm người tiêu dùng này, các thương hiệu đã không ngừng áp dụng các chiến lược hấp dẫn. Điều này cho phép thương hiệu dễ dàng kết nối với người hâm mộ, nâng cao doanh thu hiệu quả.
Fandom dựng biển quảng cáo, tổ chức hoạt động từ thiện
Đầu tháng 5, khi Taylor Swift giữ 14 vị trí đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100, cộng đồng fan của nữ ca sĩ đã đặt mua một biển quảng cáo ngay tại Quảng trường Thời đại New York để chúc mừng thần tượng. Hay như tháng 7 vừa qua, người hâm mộ nhóm nhạc ảo PLAVE cũng đã mua một biển quảng cáo kỹ thuật số để kỷ niệm sinh nhật của thành viên Bamby.
Tại Việt Nam, thời điểm nhóm nhạc KPOP đình đám Blackpink tổ chức concept vào tháng 7/2023, Blink (tên Famdom của nhóm) đã cho triển khai các chiến dịch quảng cáo ngoài trời, roadshow xe bus 2 tầng để chào đón 4 nữ thần tượng đến với mảnh đất hình chữ S.
Không chỉ sử dụng OOH, người hâm mộ cũng chung tay thực hiện nhiều chiến dịch từ thiện dưới danh nghĩa của thần tượng. Đây không chỉ là cách để quảng bá hình ảnh của idol mà còn mang ý nghĩa xã hội to lớn. Điển hình là chiến dịch “Bảo vệ đôi mắt trẻ thơ" do FC ca sĩ K-Pop người Việt - Hanbin (Ngô Ngọc Hưng), thành viên nhóm nhạc nam Tempest tổ chức. Hoạt động này đã quyên góp được hơn 134 triệu đồng để thực hiện chương trình Phẫu thuật mắt miễn phí cho trẻ em nghèo dưới 16 tuổi tại Huế. Đồng thời, nhóm người hâm mộ cũng quyên góp hơn nửa tỷ đồng để xây trường học tại vùng sâu vùng xa.
Người hâm mộ sáng tạo sản phẩm, tham gia hoạt động của thương hiệu
Người hâm mộ của thương hiệu không đơn giản chỉ là người tiêu dùng mà còn góp phần định hình và tác động đến nội dung mà họ yêu thích. Họ sử dụng tiếng nói và nguồn lực để công khai sự ủng hộ đối với thần tượng hoặc thương hiệu. Trong đó, sự gia tăng nội dung do người hâm mộ tạo ra là một cơ hội lớn cho các chuyên gia marketing.
Các thương hiệu có thể tận dụng hoạt động tương tác bằng cách làm nổi bật các sản phẩm của người hâm mộ. Thông qua việc hợp tác cùng người hâm mộ, thương hiệu có thể xây dựng mối quan hệ bền chặt và có tiềm năng lớn.
Nổi bật phải kế đến là chiến dịch K-WAVE Zero Sugar của Coca-Cola trong đầu năm nay. Đây là nơi để cộng đồng người tiêu dùng tạo ra các video độc đáo thông qua công nghệ AI. Điều này giúp người hâm mộ trải nghiệm tinh thần 'Real Magic' đặc trưng của Coca-Cola.
Bên cạnh đó, thương hiệu có thể hợp tác với người hâm mộ trong các dự án như fan art, fan fiction hoặc video do họ thực hiện. Ngoài ra, việc tham khảo ý kiến người hâm mộ về các ý tưởng cho sản phẩm hoặc chiến dịch mới cũng là một ý tưởng hay. Bằng cách này, các thương hiệu không chỉ tận dụng được sự sáng tạo của người hâm mộ mà còn cá nhân hóa hoạt động tiếp thị mạnh mẽ.
Hoạt động Frame Contest của Life4cut cũng là một trong những ví dụ điển hình cho việc hợp tác cùng người hâm mộ. Thương hiệu đã tổ chức cuộc thi dành cho cộng đồng người tiêu dùng để họ tự thiết kế những khung ảnh, sau đó brand sẽ dùng những frame này để kinh doanh.
Có thể thấy rằng, người hâm mộ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Sự sáng tạo và tinh thần cộng đồng của họ không chỉ củng cố vị thế của thần tượng, tăng lợi ích cho thương hiệu mà còn mang ý nghĩa xã hội to lớn. Đây là nhóm người tiêu dùng chiến lược mà các thương hiệu đều mong muốn có được trong quá trình kinh doanh và phát triển.
- KOL, KOC sắp hết thời tung hoành ngang dọc trên các quảng cáo kiếm tiền tỷ
- Sự thật phía sau các chiến dịch quảng cáo làm chân mày phong thủy đổi vận, tăng tài lộc
- 4 chiến dịch quảng cáo bùng nổ tuần qua: Người hợp tác ra mắt BST giới hạn, kẻ ứng dụng video CGI…