Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 05/09/2024, 15:48 (GMT+7)

Nếu cơ thể có những dấu hiệu này, rất có thể bạn đã nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người' và cần vào viện ngay lập tức

Từ việc hai bệnh nhân tại tỉnh Hòa Bình nhập viện trong tình trạng nguy kịch do mắc bệnh Whitmore (hay còn gọi là nhiễm vi khuẩn ăn thịt người), các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên hoang mang mà cần chủ động phòng tránh, nhận biết sớm các biểu hiện của bệnh.

Suy đa tạng do nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"

Mới đây ngày 4/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thông tin đang điều trị cho 2 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, theo An ninh Thủ đô.

Người đàn ông 43 tuổi làm công nhân giao hàng đông lạnh ở một tỉnh phía Nam. Một tháng trước khi nhập viện, anh sốt cao liên tục, đi khám và điều trị không bớt. Khi vào Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình hồi cuối tháng 8, người bệnh sốt cao, rét run, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.

Hình ảnh 35
Whitmore (Vi khuẩn ăn thịt người) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên.

Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Whitmore, còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người. Các bác sĩ chỉ định thở máy, lọc máu liên tục, dùng thuốc vận mạch, sử dụng kháng sinh phổ rộng, trong đó có kháng sinh đặc trị bệnh Whitmore. Hiện bệnh nhân vẫn nguy kịch.

Còn người phụ nữ 59 tuổi, tiền sử bệnh đái tháo đường, xuất hiện sốt cao, khó thở, đau tức ngực hôm 1/9. Kết quả chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh đám mờ đông đặc và tràn dịch màng phổi 2 bên. Bệnh nhân được cấy máu, kết quả cho thấy nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Hiện sức khỏe bà đã ổn định.

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình - khoa hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đây là hai ca bệnh Whitmore được ghi nhận tại tỉnh sau 4 năm không có ca mắc.

Dấu hiệu bệnh Whitmore

Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore thường sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ khớp, đau đầu và co giật.

Whitmore còn gọi là bệnh melioidosis - bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. B. pseudomallei sống trong đất, vì thế đường lây nhiễm chính qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. 

Một số nghiên cứu cho thấy có thể nhiễm bệnh khi ăn thức ăn có vi khuẩn. Chưa có bằng chứng về lây bệnh giữa người với người hoặc lây từ động vật sang người qua đường không khí. Vì thế, các ca bệnh Whitmore thường lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

Thời gian ủ bệnh từ một đến 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn.

Hình ảnh 36
Chẩn đoán bệnh Whitmore chính xác phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu hoặc dịch não tủy

Bác sĩ khuyến cáo gì

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh này. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động phòng chống bằng cách ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, ở những nơi ô nhiễm nặng, khi cần tiếp xúc cần sử dụng đồ bảo hộ ví dụ găng tay, ủng... Không nên tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại hoặc gần nơi bị ô nhiễm.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, hãy sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần vào viện để khám, điều trị kịp thời.

Cùng chuyên mục