Mua hàng trên 'chợ mạng': Người tiêu dùng cần làm gì để không bị rơi vào 'ma trận' hàng giả, hàng nhái?
Hàng giả, hàng nhái đang được quảng cáo, bày bán tràn lan, công khai trên 'chợ mạng', gây ảnh hưởng quyền lợi, làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh hoạt động quản lý của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần phải cảnh giác để không bị rơi vào 'ma trận' hàng giả, hàng nhái.
Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên "chợ mạng"
Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số.
Số liệu từ Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với 2022, chiếm 8% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong năm 2023, Việt Nam có khoảng 61 triệu người mua sắm online (ước tính bình quân, mỗi người chi tiêu cho mua sắm online là 336 USD/năm). Theo đó, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử liên tục gia tăng trong thời gian qua, chủ yếu do hàng hóa kém chất lượng kém so với quảng cáo, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hay khó kiểm định chất lượng.
Trong năm 2023, Bộ Công thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ, khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương cũng đã tiến hành kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt 12 tỷ đồng trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tình trạng này càng trở nên phức tạp hơn khi bước sang năm 2024. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quản lý Nhà nước về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí chất lượng Việt Nam dẫn lời ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, dù cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý hàng loạt trường hợp bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu giảm bớt.
Dạo quanh các sàn thương mại điện tử (TikTok Shop, Shopee...), không ít chủ cửa hàng bán túi xách của loạt thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Louis Vuitton, Gucci... nhưng với giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Thậm chí, khách áp mã giảm giá còn được sở hữu túi hàng hiệu với mức giá không thể rẻ hơn và miễn phí giao hàng.
Trong các phiên livestream, nhiều chủ shop lại bán hàng giả, hàng nhái thậm chí còn quảng cáo là hàng hiệu giá cao tới hàng chục triệu đồng. Giá của các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Burberry, Gucci, Zara... cũng đều do chủ shop tự định giá, gây ảnh hưởng quyền lợi, làm mất niềm tin của người tiêu dùng.
Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, để bảo vệ người tiêu dùng đòi hỏi phải có sự đầu tư và nâng cấp về công nghệ cho các cơ quan quản lý bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong đó, nâng cấp công nghệ để quản lý “chợ mạng” phải là ưu tiên hàng đầu. Chỉ có công nghệ mới đủ sức truy xuất nguồn gốc sản phẩm để từ đó truy vết và truy cứu trách nhiệm các bên tham gia “chợ mạng”. Công nghệ cũng sẽ cho phép kết nối, chia sẻ thông tin trong việc phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng hóa nhập lậu và chống thất thu thuế của Nhà nước.
Nên làm gì khi mua phải hàng giả?
Theo cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán và yêu cầu đổi hàng, hoàn trả tiền hoặc bồi thường khi mua phải hàng giả.
Cụ thể, người dân hãy vào đơn hàng vừa mua để gửi yêu cầu trả hàng hoàn tiền với lý do nghi ngờ hàng giả, hàng nhái sau đó thêm hình ảnh thực tế về tình trạng hàng hóa, đánh giá về sản phẩm nhận được từ cửa hàng.
Lưu ý, phần ảnh hoặc video phải rõ nét cho thấy logo thương hiệu chứng minh sản phẩm không phải sản phẩm thật cùng với ảnh chụp màn hình của sản phẩm thực từ trang web chính thức (logo thương hiệu, ảnh). Theo đó, bằng chứng hình ảnh hoặc video càng chi tiết, rõ ràng thì khả năng được hoàn lại tiền của người mua càng lớn.
Sau khi nhận được yêu cầu trả hàng hoàn tiền từ phía người tiêu dùng, nền tảng sẽ yêu cầu người bán cung cấp bằng chứng chính hãng. Nếu không cung cấp được thì nền tảng sẽ hoàn lại tiền cho bạn. Đồng thời, người bán cũng sẽ bị xóa sản phẩm, thậm chí là đóng băng tài khoản nếu số lượng hàng giả hoặc hàng nhái đã bán có số lượng đã bán cao.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể thông báo, làm đơn tố giác đến cơ quan quản lý thị trường hoặc cơ quan công an nơi bên bán có trụ sở, cửa hàng, kho hàng...
Để có cơ sở giải quyết vấn đề, người tiêu dùng cần cung cấp cho cơ quan điều tra các tài liệu về chứng từ và hóa đơn mua hàng, hình ảnh của sản phẩm nhận được và chứng minh sản phẩm chính hãng, tin nhắn và cuộc gọi trao đổi giữa hai bên, chứng từ chuyển tiền hoặc xác nhận thanh toán từ ngân hàng (nếu thanh toán online) cùng với bất kỳ tài liệu, chứng cứ khác nếu có.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân bằng cách tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua, chọn mua tại các cửa hàng uy tín có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chỉ mua hàng trên các trang web thương mại điện tử đáng tin cậy với đầy đủ thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp. Hãy lưu giữ hóa đơn và chứng từ mua hàng để có bằng chứng khi cần thiết. Nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, hãy liên hệ với cơ quan chức năng để khiếu nại và tố cáo hành vi vi phạm.
Người tiêu dùng có thể liên hệ qua đường dây nóng hoạt động 24/7 (1900.888.655) của Tổng cục Quản lý thị trường để tố giác về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Chồng lấn quy định xử phạt hành chính hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng
- Hàng giả nhưng lại được yêu thích và hấp dẫn với người tiêu dùng, lý do vì sao?
- Chống hàng giả, hàng nhái: Cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng
- Bật mí những món chay tốt cho bà bầu, đảm bảo mẹ khỏe, con phát triển tốt
- Đặt khách sạn, resort ở Mũi Né, nhiều du khách phát hiện mình bị lừa
- Sân chơi của hơn 2.000 thương hiệu uy tín ngành làm đẹp tại Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2024
- Mitsubishi Triton ra mắt phiên bản mới, giá chỉ 716 triệu đồng
- Đón nhận xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam
- Ăn eat clean nhất định phải biết những thực phẩm nên có trong chế độ này để giảm cân, giữ dáng hiệu quả