Thứ bảy, 26/07/2025
logo
Tiêu dùng thông minh

Mua hàng bị hớ giá: Cái bẫy khiến phụ nữ tiêu nhiều hơn mà không hay biết

Vi An Thứ năm, 24/07/2025, 13:36 (GMT+7)

Mua rồi mới biết chỗ khác bán rẻ hơn, nhiều chị em giật mình vì chỉ trong vài cú click đã "đội giá" cả triệu đồng mỗi tháng. Mua hớ – tưởng nhỏ, nhưng nếu không tỉnh táo, ví sẽ mỏng dần lúc nào chẳng hay.

Viết nhật ký chi tiêu - Bí kíp nhỏ giúp phụ nữ kiểm soát ví tiền mà không cần thắt lưng buộc bụng

Tiêu ít không bằng tiêu đúng: Thói quen giúp phụ nữ tự chủ tài chính bền vững

Chi tiêu trong hôn nhân: Làm sao để phụ nữ không biến thành 'bà nội trợ toàn thời gian' không lương?

Chị Ngọc Trâm (31 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) chia sẻ, chỉ trong một tháng săn khuyến mãi sinh nhật sàn thương mại điện tử, chị tiêu gần 5 triệu đồng cho đủ món từ nồi chiên không dầu đến serum dưỡng da. 

“Tôi tưởng mình hời lắm, vì toàn thấy ghi giảm 40-50%. Nhưng sau đó bạn tôi gửi link cùng sản phẩm mà rẻ hơn cả trăm nghìn, chưa kể có shop tặng quà thêm. Mình vừa tiếc tiền, vừa thấy bị qua mặt”, chị kể.

Chị thừa nhận, nếu trước đây xem giá kỹ hơn thì chắc chắn đã tiết kiệm được cả triệu đồng. “Cái đau không phải ở tiền, mà là cảm giác bị hớ mà không biết. Mua hàng mà như chơi xổ số vậy,” chị nói nửa đùa nửa thật.

Giá giảm chưa chắc là rẻ 

2024_2_18_638438926434057427_san-sale-la-gi-102052-1903
Hàng giảm giá chưa chắc đã rẻ

Rất nhiều cửa hàng nâng giá niêm yết lên cao rồi gạch chéo để tạo cảm giác “giảm sốc”. Ví dụ: sản phẩm vốn bán 320.000 đồng, shop ghi giá gốc 499.000 rồi giảm còn 335.000. Người tiêu dùng tưởng hời, thực chất lại trả nhiều hơn giá thị trường.

Thay vì tin ngay vào giá giảm, bạn nên chủ động tìm tên sản phẩm trên Google hoặc các sàn lớn để so sánh, đồng thời sử dụng các công cụ tra giá như BeeCost, iPrice. Nếu mua trên Shopee, Lazada hay Tiki, bạn cũng có thể kiểm tra lịch sử giá để biết sản phẩm có thật sự đang được giảm hay không.

Đừng vội “chốt đơn” ngay lần đầu thấy

Các quảng cáo như “Chỉ còn 3 sản phẩm”, “Giảm sâu trong 3 giờ” là chiêu đánh vào tâm lý sợ lỡ cơ hội. Nhưng đa số không thật chỉ là chiêu gây áp lực để bạn ra quyết định vội.

Thay vì mua vội, bạn nên thêm sản phẩm vào giỏ hàng trước, sau đó quay lại sau vài giờ hoặc hôm sau để kiểm tra lại thông tin, đánh giá sản phẩm, và so sánh shop kỹ hơn trước khi quyết định.

Cẩn trọng với combo “sale ảo và phí ship cao”

Một số sản phẩm tuy được giảm giá mạnh nhưng lại đẩy phí vận chuyển lên cao hoặc không áp dụng mã freeship. Kết quả dẫn đến tổng chi phí mua về còn cao hơn mua tại cửa hàng.

Trong trường hợp này, bạn nên so tổng chi phí cuối cùng thay vì chỉ nhìn vào giá niêm yết. Hãy tận dụng mã freeship và mã giảm giá có sẵn để không bị “hớ” vì phí vận chuyển.

Cẩn thận với khuyến mãi kiểu “giảm ảo – quà lởm”

272-1024x683-1904
Trước khi quyết định mua hàng, bạn nên đánh giá cả giá sản phẩm lẫn giá trị của quà tặng đi kèm

Không ít chương trình tặng kèm quà giá trị thấp hoặc tăng giá sản phẩm chính để bù lại chi phí quà tặng. Ví dụ: giá bộ mỹ phẩm 480.000 tặng gương mini, trong khi shop khác bán 390.000 không tặng gì.

Trước khi quyết định mua, bạn nên đánh giá cả giá sản phẩm lẫn giá trị thực sự của quà tặng đi kèm. Nếu món quà không thực sự cần thiết, hãy cân nhắc lại xem liệu đó có phải là món “hời” đúng nghĩa hay chỉ là một cú lừa tinh tế.

Đặt câu hỏi: Mua vì thật sự cần – hay vì thấy "giá hời"?

Rất nhiều chị em “mua trong vô thức” chỉ vì sợ bỏ lỡ deal ngon, đến khi hàng về mới phát hiện không thực sự cần hoặc đã có rồi.

Để tránh điều này, bạn nên lập danh sách những món thực sự cần mua từ trước, và khi gặp khuyến mãi bất ngờ, hãy cố gắng đợi ít nhất 30 phút trước khi quyết định để suy xét kỹ hơn.

Mua hàng thông minh không chỉ là săn được đồ rẻ, mà là mua đúng giá trị thật của sản phẩm. Đừng để cảm xúc và chiêu trò giá cả khiến bạn mất tiền oan. Nhất là với phụ nữ – những người mua sắm thường xuyên, chỉ cần tỉnh táo hơn một chút là có thể tránh được cả triệu đồng tiền “bị hớ” mỗi tháng.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Từ khóa:  

Cùng chuyên mục