Mỗi lần dùng thuốc kháng sinh, cơ thể bạn sẽ có phản ứng gì?
Thuốc kháng sinh được xem như con dao 2 lưỡi. Bởi loại thuốc này vừa có tác dụng trị bệnh hiệu quả nhưng cũng mang đến nhiều nguy cơ gây ra bệnh.
Nhiều người khi bị bệnh hay ốm nhẹ thường tự mua thuốc kháng sinh để uống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, kháng sinh là loại thuốc trị bệnh nhiễm khuẩn cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng bởi nếu dùng lượng không phù hợp sẽ gây những tác hại rất lớn.
Loại thuốc này khi sử dụng, cơ thể sẽ tiết ra các vi khuẩn để tăng sức đề kháng, giúp cơ thể nhanh khỏe lại. Song, lạm dụng nó thường xuyên sẽ khiến mức độ đề kháng sẽ tăng lên và nếu dùng càng nhiều loại thì cơ thể sẽ càng đề kháng nhiều kháng sinh. Điều này dẫn đế nguy cơ bị "lờn thuốc", về sau khi cần thuốc để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì sẽ không còn tác dụng và bệnh tình có thể trở nặng hơn.
Những phản ứng của cơ thể khi tự dùng thuốc kháng sinh
Rối loạn đường tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là một trong những tác dụng phụ phổ biến khi dùng thuốc kháng sinh. Điển hình là tình trạng tiêu chảy diễn ra nhẹ hoặc nặng, có những trường hợp cần được chăm sóc y tế.
Thuốc kháng sinh có thể gây tiêu chảy nặng do nhiễm trùng Clostridium difficile. Vấn đề này đặc biệt thường xảy ra với những bệnh nhận sử dụng thuốc kháng sinh phổ rộng kéo dài.
Dị ứng thuốc kháng sinh
Dị ứng với thuốc kháng sinh thường gây ngứa, phát ban, nổi mề đay hoặc nghiêm trọng hơn là bị khó thở.
Ngoài ra, những người dị ứng với một loại thuốc kháng sinh rất có khả năng sẽ bị tương tự với các loại khác trong cùng một nhóm.
Gan và thận bị tổn thương
Sử dụng thuốc kháng sinh với liều lượng cao và trong thời gian dài sẽ dễ gây tổn thương cho gan và thận.
- Gây nhiễm độc ống thận: Kháng sinh gây tổn thương trực tiếp hoặc ở màng nhân tế bào biểu mô, lưới bào tương, ty lạp thể hoặc ở lysosom. Tuỳ theo độ tuổi, tình trạng mất nước, tuần hoàn hay các bệnh mãn tính kèm theo mà tình trạng nhiễm độc này có thể nặng thêm.
- Gây tổn thương gan: Hơn 1.000 loại thuốc và hóa chất khác nhau có thể gây tổn thương gan và kháng sinh có khả năng cao nhất. Nó gây ra 25 - 45% tổng số trường hợp tổn thương gan và thường gặp nhất ở thuốc chống lao chiếm 35%.
Kháng kháng sinh
Lạm dụng thuốc kháng sinh khiến sức đề kháng của con người bị yếu đi, đặc biệt là trẻ em. Tình trạng lờn thuốc, kháng kháng sinh khiến quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Bởi các loại vi khuẩn gây bệnh do đã có khả năng kháng lại đa số các loại kháng sinh trước đó.
Ngoài ra, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây nhiều tốn kém và khó khăn khi chẩn đoán bệnh.
Tự mua hay sử dụng theo đơn được kê của người không có chuyên môn y tế không chỉ khiến bệnh không khỏi mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Từ đây, quá trình điều trị sẽ phải kéo dài, gây nhiều tốn kém.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khi uống kháng sinh nhiều nhưng không khỏi mới đến bệnh viện để khám. Điều này vô tình làm mất đi triệu chứng đặc thù của bệnh, gây khó khăn cho bác sĩ chẩn đoán bệnh.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh
Kháng sinh là loại thuốc điều trị đặc biệt, để hạn chế gây tổn thương cho sức khỏe, hãy tránh thực hiện 7 điều sau:
- Tuyệt đối không tự ý mua, sử dụng kháng sinh mà không có sự kê đơn của bác sĩ
- Không sử dụng thuốc bị thừa từ lần điều trị trước đó
- Không chia sẻ, dùng chung thuốc của mình với người khác
- Dùng đủ liều lượng, kể cả khi bệnh tình đã thuyên giảm hơn. Tuân theo chỉ định của bác sĩ và không được tự ý ngừng thuốc
- Đảm bảo uống nhiều nước, từ 2 - 3 lít mỗi ngày để duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể. Điều này sẽ giúp loại bỏ các hóa chất độc hại ra khỏi cơ thể.
- Nên tập luyện các bài tập nhẹ nhàng hoặc yoga để tăng cường chuyển hóa
- Trong quá trình sử dụng kháng sinh, nếu xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn thì cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị bệnh phù hợp