Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 25/01/2024, 15:35 (GMT+7)

Kỹ năng cần thiết để tránh mất tiền oan khi dùng thẻ tín dụng

Bên cạnh sự tiện lợi, thẻ tín dụng cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nếu như người dùng không biết cách sử dụng, bảo quản. Dưới đây là một số mẹo để tránh mất tiền oan khi dùng thẻ tín dụng.

Chiếc thẻ tín dụng mang lại sự tiện lợi trong việc mua sắm và chi tiêu. Không cần nhập mật khẩu, chỉ cần quẹt thẻ, khách hàng có thể thanh toán cho mình món đồ cần mua.

Thẻ tín dụng cũng có thể được xem là một công cụ để quản lý tài chính khá hiệu quả, vì có hạn mức chi hàng tháng, có sao kê đầy đủ các khoản chi… Thậm chí, người sử dụng còn có thể rút được tiền mặt từ thẻ tín dụng tại các cây ATM.Tuy nhiên bên cạnh sự tiện lợi, chiếc thẻ này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nếu như người dùng không biết cách bảo quản thì rất có thể sẽ mất tiền oan.

Thẻ Tín Dụng Là Gì? Cách Sử Dụng Thẻ Tín Dụng A-Z | Timo.vn

Để lọt thông tin thẻ tín dụng khi chi tiêu trực tuyến là tình trạng không ít người tiêu dùng đã gặp phải. Ngoài ra, vì không có chức năng xác minh bằng mã OTP khi quẹt thẻ bằng máy POS nên việc đánh mất thẻ cũng là rủi ro thường gặp khiến tiền "không cánh mà bay".

Theo các chuyên gia ngân hàng, để tránh mất tiền "oan" khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng cần lưu ý những việc sau:

Thận trọng khi thanh toán

Một trường hợp thường gặp là sau khi thưởng thức bữa ăn ngon ở nhà hàng sang trọng, rủi ro có thể xảy đến với chiếc thẻ tín dụng của bạn khi không được chú ý cẩn thận. Do bạn quá tin tưởng người thu ngân khi giao cho họ chiếc thẻ mà không để ý.

Nhiều nhà hàng quẹt thẻ của khách hàng ở ngay quầy thu ngân. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp nhà hàng có toan tính xấu, nhập số tiền lớn hơn để thu lời. Thậm chí, những nhân viên thiếu trung thực sẽ đọc lướt qua thông tin, ghi chép hoặc chụp lại thông tin trên thẻ của khách hàng để phục vụ mục đích cá nhân.

Bạn cũng nên thận trọng khi thanh toán bằng thẻ tín dụng ở cửa hàng bán lẻ. Bởi địa điểm này thường xuyên có nhiều người quẹt thẻ nên dễ bị kẻ xấu ăn cắp thẻ tín dụng hay bị chụp thông tin thẻ trong lúc sơ ý. Thông tin có thể bị đánh cắp bởi phần mềm độc hại trên chính thiết bị của bạn, tin tặc hay việc nhà bán lẻ vô tình làm lộ dữ liệu người dùng.

Do đó, nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng, dù là quẹt trực tiếp hay thao tác trực tuyến, bạn cũng nên lưu ý đến một số vấn đề. Bạn không nên đưa thẻ cho người khác quẹt nếu không có sự chứng kiến của mình. Ngoài ra, bạn không nên ấn vào các đường link lạ, không chính thức để nhập thông tin thẻ trong quá trình thanh toán. 

Không để lộ thông tin thẻ tín dụng

Theo thống kê, hiện có tới khoảng 70% thông tin cá nhân thẻ tín dụng bị đánh cắp do sự lơ là của khách hàng, không bảo vệ thẻ khi giao dịch.

Chỉ cần mặt trước và mặt sau thẻ tín dụng, kẻ xấu có thể chụp lại là họ có đủ điều kiện tiến hành mua hàng trực tuyến. Vì thế, hãy giữ bí mật thông tin trên thẻ cũng như luôn giữ thẻ an toàn trong tầm mắt.

Người sử dụng không nên để lộ 3 số CVV ở mặt sau thẻ. Bởi khác với thẻ nội địa ATM, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến, hệ thống chỉ yêu cầu nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực, ngày hết hạn và mã xác thực thẻ (CVV). Tất cả đều được in ở mặt trước và mặt sau của thẻ tín dụng. Do vậy, một trong những mẹo hay được sử dụng là chủ thẻ ghi nhớ mã CVV (3 chữ số cuối ở mặt sau thẻ) rồi dán kín chúng lại (hoặc cạo trực tiếp trên thẻ cho mờ hẳn).

.

Hiện nhiều ngân hàng đã tích hợp dịch vụ quản trị thẻ tín dụng trên các ứng dụng ngân hàng số. Việc này giúp chủ thẻ chủ động thực hiện các thao tác như khóa mở thẻ, điều chỉnh hạn mức mà không cần đến phòng giao dịch.

Cho người quen mượn thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng khác với thẻ ATM, bạn không cần phải nhập thông tin mật khẩu khi thực hiện thanh toán. Vì vậy, khi cho người nhân, bạn bè mượn thẻ hay vô tình làm mất thẻ… cũng là nguyên nhân khiến bạn mất tiền oan. Theo thống kê, tỷ lệ ăn cắp thông tin trong trường hợp này là 25%

Chính vì thế, tuyệt đối không nên giao thẻ tín dụng cho người khác với bất cứ lý do nào.

Sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt

Một trong những sai lầm khi dùng thẻ tín dụng khiến bạn gánh chịu lãi suất cao đó chính là dùng thẻ để rút tiền mặt.

Vai trò chính khi dùng thẻ tín dụng là thanh toán chứ không phải rút tiền mặt. Khi sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt, bạn có thể phải chịu phí rút tiền. Mức phí này thường khá cao chiếm từ 3 – 4% giá trị số tiền bạn rút. Vì vậy, tuyệt đối không rút tiền mặt trong thẻ trừ trường hợp quá cần thiết.

Không lưu trữ thông tin thẻ

Để giảm thiểu rủi ro bị xâm phạm, tốt hơn hết bạn không nên lưu thông tin thẻ tín dụng trên các trang web bán lẻ trực tuyến. Việc nhập thông tin thẻ mỗi lần mua hàng hóa, dịch vụ vẫn tiềm ẩn ít rủi ro hơn so với việc lưu sẵn để tiện thanh toán.

Đừng thanh toán hóa đơn muộn

Đừng bao giờ chậm trễ khi thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng. Hậu quả trước tiên của việc “phớt lờ” khi đến hạn thanh toán đó là phải chịu mức lãi suất cao, có thể lên đến 30%.

Trong trường hợp thanh toán muộn hơn 1 tháng, ngân hàng sẽ thông báo cho trung tâm tín dụng.

Khi các bên cho vay tiêu dùng khác nhận được thông tin này, bạn sẽ khó có thể làm thủ tục vay, còn nếu được vay cũng gặp phải những rắc rối và phải chịu mức lãi suất cao.

Vì thế, hãy thiết lập nhắc nhở thanh toán hóa đơn trên điện thoại di động, máy tính hoặc thanh toán tự động.

Thận trọng khi thanh toán qua điện thoại

Công nghệ hiện đại cho phép chúng ta có một bước nhảy vọt trong mua sắm và thanh toán bằng thẻ tín dụng qua điện thoại thông minh. Nhưng nhiều cá nhân, tổ chức lừa đảo sẽ có chiến thuật riêng của họ để đánh cắp thông tin của những người cả tin, nhẹ dạ.

Vì vậy, ngay khi nghi ngờ, hãy chủ động gọi lên tổ chức phát hành thẻ yêu cầu được giúp đỡ. Một nguyên tắc nhỏ, nếu không chắc chắn về nguồn gốc của các cuộc gọi, tin nhắn, bạn không bao giờ được cung cấp thông tin cá nhân.

Không nên sử dụng tối đa hạn mức

Thực hiện quá nhiều giao dịch với số tiền lớn đồng nghĩa với việc bạn phải vật lộn để duy trì cân bằng cho tài khoản tín dụng.

Do vậy, không nên sử dụng hạn mức thẻ tín dụng trên 30%. Bởi với phần lớn các ngân hàng đều cho rằng tỷ lệ dùng tín dụng trên 30% là quá cao.

Đồng thời chính bạn đang bị mắc bẫy của ngân hàng, bởi khi sử dụng càng nhiều, bạn phải trả nhiều. Ngân hàng càng có lợi khi người dùng phải thanh toán số nợ “khổng lồ” hay mức lãi suất từ việc trả trễ. Và theo thời gian con số này sẽ tăng dần, nợ chồng nợ và lãi đẻ lãi.

Không nên mở quá nhiều thẻ tín dụng

Bạn có thể sở hữu đến hàng chục chiếc thẻ ATM của nhiều ngân hàng mà chẳng hề gặp rắc rối nào.

Song khi dùng thẻ tín dụng, việc mở quá nhiều sẽ gây cho bạn nhiều rắc rối về thủ tục cũng như đảm bảo an toàn thông tin. Đặc biệt mức phí thường niên của thẻ tín dụng thường khá cao, do đó bạn nên cân nhắc kỹ khi mở nhiều thẻ.

Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khuyến cáo mỗi người chỉ nên sử dụng tối đa 2 thẻ tín dụng.

Cùng chuyên mục