Thứ sáu, 19/07/2024, 06:01 (GMT+7)

Thực phẩm bán qua 'chợ mạng' ngày càng nhiều, làm sao kiểm soát chất lượng?

Việc kinh doanh thực phẩm online (trực tuyến) ngày càng phát triển và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng. Thế nhưng, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh này lại không đơn giản.

Khó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc

Theo bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), các mặt hàng thực phẩm ngày càng xuất hiện nhiều trên TMĐT thông qua các website TMĐT bán hàng, ứng dụng sàn giao dịch TMĐT trên các thiết bị di động, theo An ninh Thủ đô.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, theo ghi nhận tại hệ thống, trong tổng số 50.334 website TMĐT bán hàng đã được xác nhận thông báo, có khoảng 5.669 website có bán thực phẩm, đồ uống (chiếm 11%), 1.423 website kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng (3%) và 234 website cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực đến người tiêu dùng (chiếm 0,46%).

Bên cạnh loại hình website TMĐT bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cũng ghi nhận trong tổng số 726 sàn giao dịch TMĐT đã được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký, có 217 sàn cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác lên bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống (chiếm 30%), 49 sàn có đăng tải thông tin là các sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm 7%) và 19 sàn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, ẩm thực (chiếm 3%).

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT.

Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) cho biết, an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, vì vậy, quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề rất cần thiết. Quan điểm của QLTT là luôn đồng hành và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, chính đáng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước đó, lực lượng QLTT liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm. Điển hình lực lượng QLTT tỉnh Cao Bằng phát hiện cơ sở kinh doanh nội tạng bán qua hình thức TMĐT với khối lượng hàng hóa vi phạm rất lớn. Lực lượng QLTT sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường TMĐT, trong đó có mặt hàng thực phẩm.

Theo bà Lê Thị Hà, Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều nội dung về bảo vệ người dùng trên không gian mạng, nhằm hạn chế tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng, đặc biệt đối với các giao dịch có nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện giao dịch.

Cục TMĐT và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh thực phẩm online, kinh doanh có điều kiện và một số sản phẩm theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cũng ủng hộ việc cơ quan y tế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như đề xuất tại Công văn số 3472/BYT-ATTP ngày 24/6/2024 đối với trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm.

td2
Xu hướng mua thực phẩm online đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hiện tại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đang được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Theo Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Trịnh Anh Tuấn, trong dự thảo này cũng đưa ra rất nhiều quy định, gắn kết trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng số. Với sự phát triển của công nghệ 4.0, thì trách nhiệm trong việc cung cấp hàng hóa online đến người tiêu dùng sẽ được quy định cụ thể trong dự thảo luật này, nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang triển khai các giải pháp đồng bộ, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện quy trình quản lý an toàn thực phẩm bằng hình thức kinh doanh thực phẩm online.

Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp các cơ quan, địa phương để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, phối hợp với các đối tác để truy xuất nguồn gốc sản xuất và triển khai gian hàng Việt trực tuyến quốc gia trên sàn thương mại điện tử, từ đó người dân có thể tiếp cận được các sản phẩm an toàn, chất lượng...

Thương mại điện tử là lĩnh vực giao thoa của rất nhiều bộ, ngành. Để đưa hình thức kinh doanh online nói chung và kinh doanh thực phẩm online nói riêng vào nền nếp cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, bộ, ngành liên quan. Chúng tôi đang triển khai các giải pháp đồng bộ và tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện quy trình quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử.

Cùng chuyên mục