Khó khăn bủa vây các ví điện tử ở Việt Nam
Với các ví điện tử ở Việt Nam, để tăng trưởng và phát triển bền vững, câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở dịch vụ thanh toán.
Một ví điện tử dừng hoạt động dù có “ông lớn” chống lưng
Mới đây, CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca bất ngờ thông báo sẽ dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử trên ứng dụng Moca và ứng dụng Grab từ ngày 1/7. Theo thông báo từ Moca, động thái này nằm trong nỗ lực hướng tới “tăng trưởng bền vững”.
Moca nói thêm sẽ tập trung nguồn lực vào các dịch vụ trung gian thanh toán khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn ở Việt Nam. Dù vậy, Moca không chia sẻ chi tiết các dịch vụ khác mà hãng này sẽ cung cấp là gì.
Sau thay đổi này, người dùng Grab vẫn sẽ có thể xử lý các khoản thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng này thông qua đối tác thanh toán ví điện tử của Grab mà Zalo Pay và MoMo hoặc thông qua các thẻ ngân hàng được liên kết vào ứng dụng.
“Quyết định này được đưa ra sau khi chúng tôi đã có những cân nhắc và đánh giá rất cẩn thận. Với việc tái cấu trúc danh mục dịch vụ, chúng tôi có thể tập trung vào các lĩnh vực mà chúng tôi có thể mang lại giá trị tốt hơn nữa cho người dùng, đồng thời thúc đẩy công ty tăng trưởng một cách hiệu quả và bền vững”, ông Nguyễn Xuân Việt Bình, Giám đốc Moca, chia sẻ.
Moca, được Grab thâu tóm vào năm 2018, từng là một trong ba ví điện tử được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Dù vậy, Moca đã dần để mất vị thế của mình do cạnh tranh khốc liệt ở thị trường địa phương.
Theo nhận định của DealStreetAsia, việc dừng hoạt động ví điện tử Moca tại Việt Nam của Grab nằm trong số các nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ông lớn này. Quý IV năm ngoái, Grab lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận theo quý đạt 11 triệu USD. Dù vậy, trên phạm vi Đông Nam Á, Grab vẫn tiếp tục đầu tư vào dịch vụ tài chính. Đầu năm nay, Grab rót thêm 109 triệu USD vào ngân hàng số GXS Bank. Ở Indones, Grab cũng đầu tư vào các ngân hàng Bank Allo, Bank Fama và startup công nghệ tài sản Bareksa.
Câu chuyện tồn tại bền vững không chỉ nằm ở dịch vụ thanh toán
Theo một khảo sát của Decision Lab, ở thời điểm quý III/2023, MoMo là ví điện tử được nhiều người sử dụng nhất ở Việt Nam với 49% người tham gia khảo sát đang sử dụng ví này. Xếp ở vị trí số 2 và số 3 lần lượt là ZaloPay (18%) và ShopeePay (11%).
Theo một báo cáo khác của FiinGroup, số lượng tài khoản ví điện tử hoạt động ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ chạm mốc 50 triệu vào cuối năm 2024, tăng 39% so với năm 2023.
Dù vậy, theo nhận định của Tech in Asia, các ví điện tử sẽ khó có thể hoạt động bền vững nếu chỉ phụ thuộc vào dịch vụ thanh toán bởi biên lợi nhuận từ mảng này là cực kỳ mỏng. “Khi nói về vấn đề tài chính cá nhân, có tất cả 5 hoạt động: kiếm tiền, tiêu tiền, vay tiền, tiết kiệm và đầu tư”, Nam Le, một nhân sự cao cấp của Touchstone Partners, chia sẻ với Tech in Asia. Ông cho rằng các ví điện tử nên tham gia cung cấp dịch vụ ở tất cả các trụ cột tài chính cá nhân.
Để chinh phục được thị trường Việt Nam, các ví điện tử cần nỗ lực phát triển hệ sinh thái của mình.
Từ tháng 8/2021, MoMo đã triển khai dịch vụ Ví trả sau hợp tác với TPBank. Thông qua dịch vụ này, người dùng có thể được cấp hạn mức tín dụng lên đến 10 triệu đồng dựa trên điểm xếp hạng tín dụng do MoMo tính toán. Điểm mạnh của sản phẩm này nằm ở việc người dùng có thể tiếp cận mà không cần chứng minh thu nhập. Do đó, nó phù hợp với những người chưa được ngân hàng cấp thẻ tí dụng.
Tương tự, Shopee cũng triển khai gói dịch vụ SPay Later tại Việt Nam cho phép người dùng thanh toán trả góp các sản phẩm trên sàn TMĐT với kỳ hạn linh hoạt hồi năm 2023.
Nhìn chung, mỗi ví điện tử đều có chiến lược hệ sinh thái của riêng mình. MoMo gần đây hợp tác với một công ty môi giới địa phương để cung cấp các sản phẩm đầu tư trên ứng dụng. ShopeePay trong khi đó tận dụng lợi thế là sàn TMĐT hàng đầu. Về phần mình, ZaloPay đang tiếp cận nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bằng cách tận dụng nền tảng quản trị kinh doanh của nó. Mới đây, Visa cũng lựa chọn MoMo, ZaloPay và VNPay làm đối tác tại Việt Nam để cho phép các SME sử dụng được thẻ trên nền tảng online của họ.
Nhiều khó khăn bủa vây ví điện tử
Các quy định hiện hành ở Việt Nam không mang lại nhiều lợi thế cho các ví điện tử. Ở mức độ cơ bản nhất, người dùng ví điện tử vẫn phải liên kết tài khoản ngân hàng và tài khoản ví điện tử.
Bên cạnh đó, khi cung cấp các dịch vụ tài chính phức tạp hơn và có giá trị gia tăng như tín dụng, ví điện tử cũng phải hợp tác với ngân hàng.
Điều này hạn chế khả năng phát triển người dùng một cách độc lập của các ví, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, có tài khoản ngân hàng còn chưa cao. Trong khi đó, người dùng tại thành thị lại có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng.
Đó là chưa kể đến việc các ngân hàng cũng không ngồi yên. Trong vài năm trở lại đây, nhiều ngân hàng liên tục đầu tư vào hoạt động chuyển đổi số và đã gặt hái được nhiều trái ngọt.
Ở thời điểm thực hiện bài viết này, trong top 10 ứng dụng tài chính phổ biến nhất trên App Store có tới 7 ứng dụng là ứng dụng của các ngân hàng và chỉ có 3 ứng dụng là các ví điện tử/dịch vụ thanh toán phi ngân hàng. Việc đầu tư mạnh vào trải nghiệm khách hàng và chuyển đổi số khiến nhiều người dùng không còn cảm thấy sự cần thiết của các ví điện tử, nhất là trong bối cảnh cuộc đua khuyến mại không thể là cuộc đua trong dài hạn.
Bên cạnh áp lực từ ngân hàng, Mobile Money cũng là một đối thủ mà các ví điện tử cần chú ý. Lợi thế lớn nhất của loại dịch vụ này nằm ở việc nó cho phép người dùng sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán nhiều loại hàng hoá, dịch vụ giá trị thấp. Với Mobile Money, người dùng không cần đến tài khoản ngân hàng. Hồi cuối năm ngoái, Chính phủ quyết nghị gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ cho các doanh nghiệp được phép cho tới hết năm 2024.