Thứ hai, 13/05/2024, 15:19 (GMT+7)

QR Code lên ngôi, ví điện tử trở thành 'người thừa'?

Khánh Tú (Theo Vietnam Finance)

Trong bối cảnh thanh toán không tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, cuộc cạnh tranh giữa QR Code và các ví điện tử lại trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.

Tăng trưởng với tốc độ thần tốc

Theo Statista, thay vì tiền mặt, ví điện tử, thẻ và QR Code đã trở thành lựa chọn thanh toán của phần lớn người dân Việt Nam. Trong năm 2023, thị trường thanh toán số tại Việt Nam có giá trị cao thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và vượt cả Singapore, Malaysia. Dự kiến, thị này sẽ đạt tổng giá trị giao dịch khoảng 160 tỷ USD trong năm 2025 tại Việt Nam.

Trích thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 1/2024, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến hơn.

Ngày càng nhiều người Việt lựa chọn thanh toán qua QR Code.
Ngày càng nhiều người Việt lựa chọn thanh toán qua QR Code.

Đáng chú ý, phương thức thanh toán qua QR Code là phương thức chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng nhất, tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị. Tại họp báo thường kỳ quý I/2024, đại diện NHNN cho hay, tổng số giao dịch qua QR Code đã đạt 7 – 8 tỷ lượt chỉ trong năm 2023.

Thế nhưng, đi cùng với sự tăng trưởng vượt trội về cả lượng và chất của hình thức thanh toán này là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các bên tham gia.

Thống kê từ NHNN chỉ ra, hiện có hơn 40 ngân hàng thương mại nội địa cùng 51 ví điện tử và nền tảng thanh toán trung gian đang cùng cạnh tranh “miếng bánh” này.  Tuy nhiên, tăng trưởng trong thanh toán mã QR tại Việt Nam đang do các ngân hàng dẫn dắt. 

Theo ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt, thanh toán qua QR Code thực sự bùng nổ khi NAPAS cho ra mắt VietQR, cho phép chuyển tiền chéo giữa các tài khoản khác nhau. 

Mặc dù ra đời muộn hơn nhưng mã VietQR lại có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và có phần lấn lướt các ví điện tử ở thời điểm hiện tại.

Thống kê của FiinGroup cho thấy, số lượng giao dịch qua ví điện tử có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 80,4% trong giai đoạn 2018 - 2023. Trong cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về số lượng giao dịch qua mã VietQR đạt 471,13%, cao hơn gần gấp 6 lần.

Trên thực tế, thông qua VietQR, người dùng có thể thực hiện nhanh chóng các giao dịch từ vài nghìn đồng cho đến giá trị lớn, cách xa về mặt địa lý thông qua hệ sinh thái của dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS, hoàn toàn tự động 24/24. Những lợi ích vốn “độc quyền” của ví điện tử, chẳng hạn như thanh toán số tiền nhỏ, cũng có trên VietQR.

Trong khi đó, điểm chính giúp các ví điện tử giữ chân người dùng từ trước đến nay vẫn là các khoản giảm giá và các ưu đãi, khuyến mãi đi kèm. Một khi hết khuyến mãi, nhiều người dùng sẽ sẵn sàng chuyển sang nhà cung cấp khác, giống như câu chuyện trước đây của ứng dụng giao đồ ăn Baemin.

Việc các ngân hàng đang tập trung phát triển, thúc đẩy hệ thống ngân hàng mở (Open Banking), tích hợp nhiều dịch vụ, tính năng trong một app ngân hàng cũng khiến các ví điện tử dần trở nên dư thừa. Cạnh tranh từ phía các ngân hàng, cộng với nhiều vướng mắc trong hành lang pháp lý khiến các ví điện tử đang đứng trước nguy cơ bị đào thải.

Thay đổi hoặc biến mất

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các ví điện tử vẫn có cơ hội bứt phá và thay đổi cuộc chơi trên thị trường thanh toán số ở Việt Nam.

TS Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên cấp cao ngành Tài chính tại Đại học RMIT Việt Nam, sáng lập viên của Trung tâm FinTech-Crypto RMIT.
TS Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên cấp cao ngành Tài chính tại Đại học RMIT Việt Nam, sáng lập viên của Trung tâm FinTech-Crypto RMIT.

Chia sẻ với VietnamFinance, TS Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên cấp cao ngành Tài chính tại Đại học RMIT Việt Nam, sáng lập viên của Trung tâm FinTech-Crypto RMIT, nhận định “VietQR và ví điện tử phục vụ cho các mục đích khác nhau và có thể bổ sung cho nhau trong bối cảnh thanh toán số của Việt Nam đang ngày càng phát triển”.

Nếu như VietQR được ví như “kẻ đột phá tiềm năng” trên thị trường thanh toán thì các ví điện tử như MoMo, Viettel Pay, ZaloPay,… vẫn đang được nhiều người dùng ở Việt Nam ưa chuộng với thị phần đáng kể, ông nói.

VietQR cho phép thanh toán liền mạch, chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản người dùng sang tài khoản của người bán mà không cần nạp tiền vào một ví cụ thể. Đây là lợi thế vượt trội hơn của VietQR so với ví điện tử.

Tuy nhiên, để thu hút người dùng, những ví điện tử dẫn đầu thị trường như MoMo và ZaloPay đều đã cải tiến mã QR trên cơ sở VietQR, cho phép người dùng có thể linh hoạt trong chọn sử dụng nguồn tiền nào, từ ví điện tử, tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng.

Bên cạnh đó, TS Phạm Nguyễn Anh Huy cũng cho rằng các ví điện tử đang mở rộng sang nhiều kênh dịch vụ tài chính khác, như mua trước trả sau, dịch vụ y tế hay dịch vụ đầu tư,… phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau hơn là chỉ chuyển tiền. 

Song ông Huy cũng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay cùng với sự tăng trưởng theo cấp số nhân của VietQR, chỉ có một số ít ví điện tử mới có thể tồn tại lâu dài.

Để phát triển, các ví điện tử nên tiếp tục mở rộng dịch vụ của mình và hợp tác với nhiều bên hơn. “Một trong những lựa chọn tiềm năng cho các ví điện tử là mở rộng sang các thị trường khác để người dùng nước ngoài có thể tiếp cận trực tiếp với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Ngoài ra, các ví điện tử cũng nên áp dụng và tích hợp công nghệ mới như AI tạo sinh nhằm cắt giảm chi phí hoạt động và cải thiện trải nghiệm cho người dùng”, ông nhận định.

Cùng chuyên mục