Liên tục ‘đốt tiền’ để giữ khách, ví điện tử chịu tổn thất lớn kéo dài
Phần nhiều lý do người dùng chọn sử dụng ví điện tử vì bị thu hút bởi các chương trình chiết khấu, khuyến mãi. FiinGroup cho rằng điều này sẽ đòi hỏi nỗ lực chạy quảng cáo liên tục từ các ví điện tử, dẫn đến gánh nặng chi phí rất lớn cho các trung gian thanh toán này.
Sự phát triển của kinh tế số đã thúc đẩy thanh toán số và gia tăng vai trò của các dịch vụ trung gian thanh toán phi ngân hàng ở Việt Nam. Tính đến tháng 6/2023, FiinGroup cho biết số lượng các tổ chức trung gian thanh toán phi ngân hàng đã tăng lên 50 đơn vị, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường thanh toán số, đồng thời hưởng ứng sự kêu gọi của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Hành vi thanh toán của người dùng chuyển dịch từ ngoại tuyến sang trực tuyến, giá trị giao dịch thông qua kênh Internet và di động tăng lần lượt 10,7% và 12,5% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2023.
Tính đến cuối năm 2023, số lượng người dùng ví điện tử tăng lên 36 triệu đơn vị và được dự báo tiếp tục đạt mốc 50 triệu người dùng vào năm 2024. Khối lượng giao dịch qua ví điện tử cũng liên tục trong xu hướng tăng với tỷ lệ tăng trưởng kép CAGR 83,5% trong giai đoạn 2018-2023.
FiinGroup nhận định thanh toán số tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt bậc nhờ khả năng thâm nhập cao của điện thoại thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán qua thiết bị di động.
Tuy nhiên, bất chấp những con số tăng trưởng ấn tượng nêu trên, FiinGroup cho rằng các ví điện tử vẫn chưa thoát khỏi cuộc đua “đốt tiền” để giữ chân người dùng. Theo khảo sát, phần nhiều lý do người dùng chọn sử dụng ví điện tử vì bị thu hút bởi các chương trình chiết khấu, khuyến mãi và có xu hướng đổi ví điện tử để được hưởng các chiết khấu hấp dẫn hơn.
FiinGroup cho rằng điều này sẽ đòi hỏi nỗ lực chạy quảng cáo liên tục từ các ví điện tử, dẫn đến gánh nặng chi phí rất lớn cho các trung gian thanh toán này. Do đó, dù doanh thu thuần liên tục ghi nhận tăng trưởng, nhiều ví điện tử lớn tại Việt Nam vẫn phải chịu một mức tổn thất lớn để giảm tỷ lệ rời bỏ của khách hàng, cùng với đó gia tăng người dùng mới.
Tuy nhiên, FiinGroup cho rằng trong dài hạn, sự canh tranh giữa các ví điện tử sẽ chuyển từ các chương trình chiết khấu, quảng cáo sang cạnh tranh về công nghệ, hệ sinh thái toàn diện, trải nghiệm khách hàng cũng như việc đa dạng hoá doanh thu thông qua các dịch vụ tài chính.
Một số ví điện tử đã nhắm đến thị trường cho vay kỹ thuật số, tuy nhiên vướng phải quy định của Việt Nam về việc cấm tổ chức phi ngân hàng cung cấp các khoản vay. Do đó, các ví điện tử đã tiến hành hợp tác với ngân hàng hoặc công ty tài chính để tạo điều kiện mở rộng lĩnh vực cho vay tiêu dùng trên nền tảng ví điện tử.
Dự thảo Nghị định 101 hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt và dự thảo về SANDBOX dự kiến sẽ đưa ra một khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi ngân hàng.
3 gã khổng lồ đang chi phối làng ví điện tử của Việt Nam theo FiinGroup là Momo, VNPay và ShopeePay. Trong đó mỗi ví đều đã dần định hình phân khúc kinh doanh riêng và vẫn để lại dư địa phát triển cho các trung gian thanh toán khác.
Với Momo, ví điện tử này có tham vọng trở thành siêu ứng dụng thông qua việc đa dạng hoá các đối tác liên kết và dịch vụ thông qua hoạt động M&A và đầu tư vào các startup. Mới đây, kỳ lân này đã mua lại một công ty bảo mật, lấn dần sang lĩnh vực đầu tư.
Về ShopeePay, ví điện này vẫn chủ yếu khai thác thế mạnh trong việc hợp tác với sàn thương mại điện tử Shopee. VNPay thì tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là cổng thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ với mạng lưới đối tác dày đặc khắp cả nước.
Trong khi thị trường bị chiếm lĩnh bởi các “ông lớn” trên, các ví điện tử nhỏ hơn dù được cấp phép hoạt động nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả. FiinGroup cho rằng điều này sẽ mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài xâm nhập vào thị trường ví điện tử trong nước.
Theo đó, quy định hiện hành không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán điện tử, tạo ra cơ hội thâm nhập thị trường cho khối ngoại. Trong khi đó, việc thành lập một trung gian thanh toán 100% vốn nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối với các ngân hàng trong nước cũng như thời gian xin phép giấy phép có thể kéo dài.
FiinGroup cho biết trong những năm gần đây, thị trường thanh toán số đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư ngoài mua cổ phần các trung gian thanh toán phi ngân hàng trong nước. Đơn cử như NTT Data đã mua lại 64% cổ phần Payoo vào năm 2011, UTC Investment mua 64,99% VNPT EPAY vào năm 2017.
- Cẩn trọng với mã độc trên Android ăn cắp tiền từ tài khoản ngân hàng, ví điện tử
- Tấn công lừa đảo giả mạo ví điện tử, website ngân hàng
- Cách thiết lập sử dụng ví điện tử Google Pay trên điện thoại Android
- Lộ diện thông số kỹ thuật và giá bán Samsung Galaxy A55 5G
- 4 loại hạt giúp bạn khỏe mạnh, nhớ lâu
- 8 mẹo đơn giản làm wifi mạnh hơn cho điện thoại thông minh
- Lập gia đình có thể khiến bạn tăng hơn 5kg so với lúc độc thân
- Giá xăng dầu thay đổi thế nào trong kỳ điều hành 29/2?
- Tăng gần 2% sau 2 tháng, nguyên nhân nào khiến tỷ giá "nổi sóng" từ đầu năm?