Khi nào người bệnh Parkinson có thể thực hiện phẫu thuật kích thích não sâu?
Ngày nay, điều trị bệnh Parkinson không chỉ dừng lại ở việc giảm những triệu chứng như run tay chân, đơ cứng mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) tiếp nhận trường hợp người bệnh L.K.O (59 tuổi, ngụ TP.HCM) được chẩn đoán và đã điều trị bệnh Parkinson bằng thuốc trong 10 năm nay. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, hiệu quả điều trị đã giảm dần, mỗi cữ thuốc chỉ còn tác dụng trong khoảng 2,5 giờ.
Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải loạn động và ảo giác khi sử dụng thuốc. Sau khi được tư vấn, người bệnh đã đồng ý phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu. Một tháng sau đó, các triệu chứng của người bệnh được cải thiện tốt, không còn hiện tượng loạn động, không ảo giác, hiện tượng “tắt” thuốc giảm đáng kể và liều lượng thuốc cũng được giảm 50% so với trước khi mổ.
Nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh Parkinson trên thế giới và tại Việt Nam
Theo TS BS. Trần Ngọc Tài - Phó trưởng Khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Rối loạn vận động, đối với người bệnh Parkinson giai đoạn sớm, điều trị bằng thuốc kết hợp tập thể dục, tập vật lý trị liệu đã có thể giúp người bệnh cải thiện chức năng sinh hoạt và vận động. Ở người bệnh Parkinson giai đoạn tiến triển, khó kiểm soát bằng việc uống thuốc thông thường có thể áp dụng những tiến bộ trong điều trị bệnh Parkinson trên thế giới hiện nay.
Người bệnh có thể cân nhắc thực hiện các phương pháp điều trị xâm lấn như phẫu thuật kích thích não sâu (Deep Brain Stimulation), truyền Apomorphine, bơm Levodopa hỗng tràng hoặc truyền Levodopa dưới da. Với những người bệnh có chỉ định điều trị xâm lấn, 59% người bệnh tiếp tục chọn điều trị bằng thuốc, 19% người bệnh chọn phẫu thuật kích thích não sâu, 9% chọn truyền Apomorphine, 13% chọn truyền Levodopa.
ThS BS. Đặng Thị Huyền Thương - Khoa Thần kinh cho biết, hiện nay tại Việt Nam và BV ĐHYD TPHCM đã ứng dụng phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu - một trong những tiến bộ điều trị bệnh Parkinson trên thế giới. Theo dõi kết quả sau phẫu thuật cho thấy, người bệnh đã có những thay đổi tích cực trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh như run tay chân, hụt hơi, cải thiện tốc độ, độ chính xác của các chuyển động trong cơ thể và nhiều vấn đề về tinh thần.
Người bệnh nghi mắc Parkinson có thể trực tiếp đến Đơn vị Rối loạn vận động - Khoa Thần kinh BV ĐHYD TPHCM. Với sự phối hợp nhiều chuyên khoa, Đơn vị giúp chẩn đoán chính xác và mang đến những giải pháp tích cực trong việc điều trị chuyên sâu cho người bệnh Parkinson, loạn trương lực cơ và các vận động bất thường. Đơn vị Rối loạn vận động cũng là một trong hai trung tâm đầu tiên trên cả nước thực hiện phẫu thuật đặt điện cực để điều trị bệnh Parkinson. Người bệnh được theo dõi và đánh giá tình trạng liên tục, từ thời điểm bắt đầu khám đến khi thực hiện các chỉ định điều trị của bác sĩ. Bên cạnh các hoạt động thăm khám trực tiếp tại Bệnh viện, người bệnh Parkinson còn có thể tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng trực tuyến và trực tiếp để được Bác sĩ và những người bệnh khác hỗ trợ.
Khi nào người bệnh Parkinson có thể thực hiện phẫu thuật kích thích não sâu?
Phẫu thuật kích thích não sâu là phương pháp phẫu thuật thần kinh chức năng, sử dụng các điện cực được cấy vào não để kích thích điện của các vùng não cụ thể, nhằm giảm các triệu chứng như run, đơ cứng và cử động chậm chạp. Theo TS BS. Trần Ngọc Tài, trong đánh giá cải thiện triệu chứng ở 39 người bệnh Parkinson thực hiện phẫu thuật kích thích não sâu tại Việt Nam, có 69,23% người bệnh cải thiện nhiều, 25,64% người bệnh cải thiện vừa và 5,13% cải thiện ít.
Người bệnh Parkinson có thể xem xét phẫu thuật kích thích não sâu khi đáp ứng đủ các tiêu chí theo nguyên tắc số 5 gồm: Người bệnh ≤ 75 tuổi, thời gian mắc bệnh ≥ 5 năm, uống levodopa ≥ 5 cữ/ngày và thời gian xuất hiện các biến chứng vận động ≥ 5 giờ/ngày. Trước khi thực hiện phương pháp này, người bệnh còn cần vượt qua bài đánh giá lâm sàng và tâm lý ổn định do bác sĩ đưa ra.
Sau khi phẫu thuật kích thích não sâu, người bệnh Parkinson cần tuân thủ các lịch trình kiểm tra y tế do bác sĩ chỉ định để liên tục theo dõi và đánh giá tình trạng sau phẫu thuật, nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu. Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và thực hiện các biện pháp tập thể dục định kỳ, vật lý trị liệu hoặc tâm lý trị liệu để cải thiện sự linh hoạt và chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật.