Thứ năm, 11/04/2024, 11:16 (GMT+7)

Hơn 10.000 ca mắc bệnh tay chân miệng trên cả nước, lưu ý gì đề phòng bệnh diễn biến nặng?

Đầu năm 2024 đến nay, cả nước ta ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng. Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp để phòng bệnh.

Hơn 10.000 ca mắc chân tay miệng

Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh toàn quốc diễn ra chiều 10/4, Tiến sỹ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước, miền Bắc có trên 1.300 ca mắc, tiếp đến là miền Trung với khoảng 1.000 ca mắc; khu vực Tây Nguyên ghi nhận ít nhất tính đến nay với 200 ca mắc.

tay chan mieng
Số ca tay chân miệng liên tục tăng mạnh từ đầu năm

Đến thời điểm này chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng. Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.

Bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, nhưng công tác tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non lại chưa hiệu quả...

Lưu ý về bệnh tay chân miệng

Giai đoạn phát triển bệnh tay chân miệng

Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng thường kéo dài từ 3-7 ngày sau khi trẻ bị lây nhiễm virus tác nhân từ nước bọt, phỏng nước trên da và phân của người mắc bệnh.

Giai đoạn khởi bệnh sẽ kéo dài từ 1-2 ngày với các triệu chứng tay chân miệng tương tự như bệnh cúm, bao gồm:

  • Sốt nhẹ hoặc cao
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Đau họng
  • Biếng ăn, có thể kèm ói
  • Tiêu chảy vài lần trong ngày

Tuy nhiên nếu sốt cao liên tục trên 39 độ C và kéo dài từ 3 ngày trở lên, đặc biệt ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, thì đây có thể là dấu hiệu của nguy cơ biến chứng viêm não.

Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3-10 ngày, bệnh nhi sẽ đối mặt với các triệu chứng điển hình ở tay - chân - miệng, bao gồm:

  • Loét miệng
  • Phát ban dạng phỏng nước
  • Sốt nhẹ và nôn. Tuy nhiên nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều thì nguy cơ dẫn đến biến chứng là khá cao. Trong đó, biến chứng về thần kinh, tim mạch, hay hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2-5 phát bệnh.
tay chan mieng
Chú ý các nốt phát ban, loét miệng đề phân biết bệnh tay chân miệng với bệnh khác

Biến chứng bệnh tay chân miệng rất nguy hiểm và thậm chí là dẫn đến tử vong. Những biểu hiện khẩn cấp cần đặc biệt lưu ý, cần lập tức đưa người bệnh đi cấp cứu là:

  • Sốt cao liên tục khó hạ kèm theo nôn ói
  • Biến chứng thần kinh với biểu hiện giật mình, run chi, giật mình chới với, ngủ gà, hôn mê, hoặc co giật
  • Dấu hiệu về hô hấp như khó thở, thở nhanh, hoặc thở không đều
  • Suy tuần hoàn thể hiện qua nhịp tim nhanh, tay chân lạnh, da xanh xao hoặc tím tái

Cách phòng bệnh tay chân miệng

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các hướng dẫn:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Cùng chuyên mục