Khám phá IVF cùng Thạc sĩ, bác sĩ Cao Hữu Thịnh: Giải đáp mọi thắc mắc về thụ tinh trong ống nghiệm
Xu hướng gia tăng can thiệp sinh sản bằng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đang trở thành một kỹ thuật điều trị vô sinh – hiếm muộn phổ biến nhất hiện nay. Để hiểu rõ hơn về phương pháp này, chúng ta cùng lắng nghe những chia sẻ từ thạc sĩ, bác sĩ Cao Hữu Thịnh, chuyên gia về lĩnh vực IVF.
Chào bác sĩ Thịnh, bác sĩ có thể cho biết, hiện nay, tình trạng can thiệp sinh sản bằng IVF ngày càng gia tăng do những nguyên nhân nào?
Việc can thiệp sinh sản ngày càng phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân chính là do kết hôn quá muộn, phụ nữ hiện nay tham gia vào xã hội nhiều hơn, tập trung vào sự nghiệp, công việc trước khi nghĩ đến việc sinh con. Điều này dẫn đến việc lập gia đình và sinh con trễ, làm giảm khả năng thụ tinh của trứng và tinh trùng. Ngoài ra, tuổi phụ nữ càng lớn, các bệnh lý phụ khoa như nhân xơ tử cung, u nang buồng trứng sẽ xuất hiện, gây khó khăn cho việc sinh sản.
Ngoài ra, tỷ lệ vô sinh và hiếm muộn có xu hướng tăng cao còn do nhiều yếu tố như ô nhiễm môi trường, chất độc hại trong thức ăn, lối sống không lành mạnh như quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng các chất kích thích…
Phụ nữ lập gia đình muộn nên làm gì để duy trì khả năng sinh sản, thưa bác sĩ?
Tuổi lý tưởng nhất để sinh con là từ 25 đến 35 tuổi. Sau 35 tuổi, chất lượng trứng và tinh trùng sẽ giảm nhanh, dẫn đến khả năng có con thấp. Nếu phụ nữ chưa có gia đình và chưa thể có con trước tuổi này, nên xem xét việc trữ trứng. Trữ trứng là một biện pháp hỗ trợ sinh sản quan trọng vì khi còn trứng, còn có thể can thiệp các liệu pháp hỗ trợ sinh sản. Nếu trứng hết, khả năng có con sẽ không còn. Các trung tâm hỗ trợ sinh sản hiện nay đều có cơ sở vật chất để trữ trứng.
Tổng chi phí cho năm đầu tiên, bao gồm kích trứng, hút trứng và trữ trứng, dao động từ 40-50 triệu đồng. Chi phí duy trì lưu trữ trứng hàng năm là khoảng 7-8 triệu đồng, tùy vào bệnh viện hoặc trung tâm.
Ngoài ra, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng để xác định khả năng sinh sản của cả hai vợ chồng. Nếu phát hiện sớm các vấn đề, có thể can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, việc hiểu rõ về bệnh lý di truyền cũng rất quan trọng để tránh những rủi ro cho mẹ và bé.
IVF thường chỉ định cho những trường hợp nào?
IVF thường được chỉ định cho nam giới có tinh trùng yếu, di động kém hoặc không có tinh trùng, và những người đã triệt sản muốn có con trở lại.
Đối với nữ giới, IVF thường được chỉ định trong các trường hợp như tắc nghẽn ống dẫn trứng, khiến trứng không thể di chuyển đến buồng tử cung, buồng trứng đa nang, cần kích trứng để trứng phát triển và rụng. Suy chức năng buồng trứng sớm, khiến buồng trứng không sản xuất hoặc phóng noãn. Lạc nội mạc tử cung, khi nội mạc tử cung phát triển lạc chỗ bên ngoài tử cung. Hay U xơ tử cung, gây khó khăn cho việc thụ thai. Hay cặp vợ chồng mắc dị hợp tử Thalassemia hoặc các bệnh lý về nhiễm sắc thể, có nguy cơ truyền gen bệnh cho con. IVF giúp sàng lọc phôi không mang bệnh…
Về mặt pháp lý, nếu là hai vợ chồng thì bắt buộc phải có giấy kết hôn và chứng minh nhân dân.
Đối với phụ nữ làm mẹ đơn thân, cần có giấy chứng nhận độc thân. Người mẹ sẽ xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng. Sau khoảng 3 tháng, bệnh viện sẽ kiểm tra sức khỏe của người đó. Nếu đạt yêu cầu, bệnh viện sẽ cung cấp mẫu tinh trùng ngẫu nhiên và tiến hành IVF. Người mẹ sinh con sẽ không biết cha đứa bé là ai.
Trong trường hợp mất khả năng sinh sản, như không có tử cung hoặc mắc các bệnh không thể có con, có thể sử dụng phương pháp mang thai hộ. Dù bệnh viện sẽ tạo điều kiện, quá trình này đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp, và khâu khó nhất là thông qua hội đồng xét duyệt. Người mang thai hộ phải là người thân trong dòng họ…
Chi phí và thời gian thực hiện IVF hiện nay là bao nhiêu, thưa bác sĩ?
Chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) phụ thuộc vào nhiều yếu tố như liều lượng thuốc mẹ tiêu thụ, số lượng phôi tạo ra, và các dịch vụ sàng lọc phôi. Tổng chi phí dao động từ 100-200 triệu đồng, tùy thuộc vào từng trung tâm và bệnh viện.
Thời gian chuyển phôi tươi, từ khi kích thích buồng trứng đến khi chuyển phôi vào tử cung, chỉ mất khoảng 2 tuần. Đối với trứng trữ đông, quá trình tạo phôi và chuyển phôi mất khoảng 1,5 tháng. Cụ thể từ ngày mẹ tiêm thuốc kích thích buồng trứng đến khi lấy trứng và tinh trùng để tạo phôi mất khoảng 11-12 ngày. Sau đó, từ ngày lấy trứng đến khi đặt phôi vào tử cung mất thêm khoảng 1 tháng.
Sau khi đặt phôi, nếu là phôi ngày 3, mẹ cần đợi khoảng 12-13 ngày để thử máu và biết kết quả có thai hay không. Tỷ lệ thành công hiện nay dao động từ 50-60%, với những người trẻ tuổi tỷ lệ này có thể lên tới 70-80%.
Đánh giá của bác sĩ về công nghệ IVF tại Việt Nam hiện nay như thế nào?
Công nghệ hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đã phát triển rất tốt trong những năm gần đây, không thua kém các nước trên thế giới. Tay nghề của các bác sĩ cũng rất cao, nhờ vào việc tiếp xúc và điều trị cho nhiều bệnh nhân, bao gồm cả các ca khó. Hiện tại, tỷ lệ thành công của IVF tại Việt Nam là khoảng 60%, với nhiều bệnh nhân nước ngoài cũng tìm đến điều trị tại đây.
Như trung bình mỗi ngày tôi hút trứng khoản 60 ca chuyển phôi và hút trứng mỗi ngày. Mỗi tháng khoảng 1000 ca thì có khoảng 600 ca thành công. Bởi vì tiếp xúc và làm nhiều ca khó nên kinh nghiệm càng nhiều và người tìm đến hỗ trợ sinh sản ngày càng đông.
Tại sao bác sĩ lại quyết định xây dựng kênh thông tin hỗ trợ sức khỏe sinh sản cho cộng đồng?
Với việc tiếp xúc và điều trị nhiều trường hợp vô sinh, tôi nhận thấy nhiều người thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, dẫn đến việc mất đi cơ hội có con hoặc đến điều trị quá muộn. Vì vậy, tôi muốn xây dựng kênh thông tin để cung cấp kiến thức, giúp mọi người tự chăm sóc bản thân và đưa ra quyết định đúng đắn trong việc sinh sản. Việc phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe sẽ giúp tăng cơ hội điều trị thành công.
Cảm ơn bác sĩ Thịnh đã chia sẻ những thông tin hữu ích này. Chúc bác sĩ nhiều sức khỏe và thành công trong công việc!
- Thực phẩm giàu axit folic giúp mẹ bầu phòng tránh dị tật thai nhi
- Những loại trái cây giúp mẹ bầu giảm nghén hiệu quả
- Mẹ bầu nên cẩn thận bởi sẽ di truyền những thói xấu này cho con