Hứng hậu quả từ chính sách một con, Trung Quốc 'đau đầu' nghĩ cách tăng dân số
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã cố gắng kiềm chế sự gia tăng dân số khi buộc các gia đình chỉ được sinh một con. Nhưng hiện nay, khi phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số ngày càng tăng, Bắc Kinh lại phải loay hoay để đảo ngược những nỗ lực trước đó.
Vào tháng 1/2023, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tiết lộ rằng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, dân số nước này đã giảm khoảng 850.000 người so với năm trước còn 1,41 tỷ người. Đối với một quốc gia có lực lượng lao động đông đảo đã giúp thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, tỷ lệ sinh giảm gây ra các dự báo thiếu lạc quan.
Ông Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California đồng thời là chuyên gia hàng đầu về nhân khẩu học cho hay sự sụt giảm dân số ở quốc gia đông dân nhất thế giới là chưa từng có trong lịch sử.
“Theo dự đoán của Liên hợp quốc, vào cuối thế kỷ này, Trung Quốc có thể có quy mô dân số chỉ bằng một nửa so với hiện nay. Và theo lộ trình đó, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia có dân số già nhất trên thế giới. Trong vòng chưa đầy 30 năm nữa, vào năm 2050, độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc sẽ tăng từ mức dưới 40 lên hơn 50 tuổi", ông Wang nhận định.
Năm 2022, Bắc Kinh đưa ra các chính sách mới cải thiện dịch vụ trước và sau sinh, hy vọng sẽ khuyến khích người dân sinh thêm con. Nhưng các biện pháp này vẫn chưa thể đảo ngược tình trạng suy giảm nhân khẩu học – và các chuyên gia cho rằng chúng có thể là chưa đủ.
Sự thay đổi nhân khẩu học ở Trung Quốc tương tự như những gì đã xảy ra ở các nước phương Tây trong những thập kỷ gần đây. Khi người dân không có nhiều con và khi chi phí nuôi một đứa trẻ tăng lên, nhiều người đã từ bỏ việc sinh con vì họ không đủ khả năng chi trả, đặc biệt là thế hệ Millennials (thế hệ sinh từ năm 1981 đến năm 1996), bị ảnh hưởng bởi hai cuộc suy thoái trong cuộc đời của họ.
Việc mở ra nhiều lựa chọn hơn cho phụ nữ cũng góp phần khiến nhiều người lựa chọn không có con.
Bà Susan Greenhalgh, giáo sư nghiên cứu về xã hội Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Fairbank tại Đại học Harvard, nói với Newsweek : “Ngày càng nhiều người trẻ không muốn có con hoặc thậm chí không muốn kết hôn” .
"Chi phí nuôi một đứa trẻ ở Trung Quốc rất cao, cao thứ hai trên thế giới, sau Hàn Quốc, và đối với phụ nữ, những người vốn đã phải chịu gánh nặng và nhu cầu về thời gian chăm sóc con cái, việc có hai đứa con đồng nghĩa với việc mất việc làm, thu nhập và sự tự do”, bà Greenhalgh cho hay.
Năm ngoái, số lượng nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới 37 triệu người, càng làm tăng thêm tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước này.
Trung Quốc hiện đang cố gắng tăng tỷ lệ sinh bằng cách làm cho việc điều trị sinh sản trở nên dễ tiếp cận hơn, nhưng theo bà Greenhalgh, sự suy giảm nhân khẩu học ở nước này có thể sẽ tiếp tục trừ khi chính phủ thực hiện các biện pháp thực sự hiệu quả hơn nữa để chống lại nó.
Tác động của suy giảm dân số
Vì quy mô dân số của Trung Quốc đã giúp thúc đẩy sự phát triển đáng kinh ngạc của đất nước trong những thập kỷ qua, nên nhiều người dự đoán rằng sự suy giảm dân số sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước này.
“Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã ngẫu nhiên được hưởng lợi từ sự tồn tại của một nguồn lực lượng lao động trẻ, khỏe mạnh và có học thức”, ông Wang nói.
Trung Quốc đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng do thương mại yếu hơn, chi tiêu trong nước chậm lại và cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản.
Theo bà Greenhalgh, lực lượng lao động đang già đi và “mức sinh cực kỳ thấp” là mối quan ngại đặc biệt đối với tương lai của Trung Quốc cũng như sự bền vững về tài chính của đất nước này vì nó có thể góp phần gây ra tình trạng thiếu lao động tiềm ẩn.
“Tổng tỷ suất sinh (TFR) hiện tại của Trung Quốc là 1,08 trẻ em trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để cải thiện dân số. Trung Quốc hiện rất quan tâm đến việc ai sẽ hỗ trợ người già. Nếu mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con, vậy ai sẽ chăm sóc người già ở Trung Quốc?”, bà Greenhalgh đặt câu hỏi.
Bắc Kinh ứng phó ra sao?
Theo bà Greenhalgh, Bắc Kinh đã nhận thức được vấn đề này từ năm 2013, khi chính phủ lần đầu tiên điều chỉnh chính sách một con.
Tới năm 2015, Bắc Kinh chính thức dừng thực hiện chính sách một con với tuyên bố rằng mọi đôi vợ chồng đều được sinh hai con. Đây là một nỗ lực để nhằm đảo ngược tốc độ già hóa nhanh của lực lượng lao động.
Năm 2021, Bộ Chính trị - cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc – ra thông báo cho phép tất cả các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh thêm con thứ ba, do chính sách hai con không đủ để vực dậy tỷ lệ sinh ở nước này.
Tuyên bố trên được đưa ra vài tuần sau khi dữ liệu điều tra dân số cho thấy quốc gia châu Á này chỉ có 12 triệu ca sinh vào năm 2020, tức thấp nhất kể từ năm 1961. Bắc Kinh hy vọng rằng chính sách kế hoạch hóa gia đình mới sẽ giúp cải thiện cơ cấu dân số và giúp thực hiện chiến lược quốc gia nhằm chủ động ứng phó với dân số già.
Cùng với các chính sách mới, chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng thúc đẩy “văn hóa hôn nhân và sinh con trong thời đại mới”, như lãnh đạo Tập Cận Bình đã gọi, “để khuyến khích phụ nữ trẻ ở nhà làm mẹ toàn thời gian".
Cũng theo bà Greenlagh, Bắc Kinh đã thông qua các chính sách mới hạn chế việc phá thai “không cần thiết về mặt y tế”, có nghĩa là việc phá thai được thực hiện sau khi xác định được giới tính của thai nhi sẽ bị hạn chế để tránh những người cố gắng sinh con theo giới tính mong muốn của họ.
Bà Greenhalgh cho biết một số địa phương ở Trung Quốc đã từ chối cho phép nam giới thực hiện các thủ tục triệt sản, thắt ống dẫn tinh, cho thấy các quan chức địa phương trên khắp đất nước tin rằng chính sách quốc gia hiện nay kêu gọi hạn chế các thủ tục tránh thai để khuyến khích sinh nhiều nhất có thể.
- Gần 15% dân số Việt Nam mắc rối loạn tâm thần
- 1/3 dân số thế giới chưa được tiếp cận internet
- Hơn 60% dân số thế giới sử dụng mạng xã hội
- Siêu phẩm Vivo X Fold 3 và X Fold 3 Pro chốt ngày ra mắt 26/3
- Ăn nhiều thịt nào có nguy cơ cao mắc ung thư?
- Dầu ăn bị đông khi trời lạnh có phải hàng giả không?
- Giá xăng vẫn cao dù đã giảm 50% thuế, Bộ Tài chính nói gì?
- Các loại bánh mì có lợi cho người bệnh tiểu đường
- Tỷ giá USD tại các ngân hàng báo vượt đỉnh