Thứ năm, 30/11/2023, 14:41 (GMT+7)

Hoại tử nặng do tự xử lý vết rắn cắn suốt 20 năm

Không ít trường hợp bệnh nhân tự ý điều trị tại nhà khi bị rắn cắn và khiến vết thương bị hoại tử, mới đây là một người đàn ông đã tự làm điều này suốt 20 năm.

Tự điều trị vết rắn cắn

Bác sĩ Nguyễn Duy Quang - Khoa Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa phẫu thuật thành công theo phương pháp chuyển vạt da sau cho bệnh nhân 55 tuổi ở huyện Quan Hóa, Thanh Hóa. Bệnh nhân bị rắn cắn nhưng không đến bệnh viện mà tự điều trị suốt 20 năm, dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử ổ loét, khuyết hổng lộ xương, lộ gân chân.

Khoảng 20 năm trước, khi đi làm ngoài ruộng ông O. bị rắn cắn vào cổ chân phải. Nhận thấy không phải rắn độc nên ông đã về nhà tự xử lý vết thương. Mặc dù vết thương đã lành sau đó nhưng vẫn để lại sẹo co rút cổ chân và các ngón chân. Điều này đã khiến ông O. khó khăn trong việc co duỗi cổ chân và vận động các ngón chân.

ran can
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Khoảng 4 tháng trước, ông O. thấy sẹo vùng cổ chân phải bị loét, chảy dịch nhiều và gây đau nhức, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như công việc nên ông O. mua thuốc bôi nhưng vẫn không đỡ. Sau đó, ông đến điều trị tại cơ sở y tế gần nhà nhưng tình trạng ổ loét vẫn còn và ngày càng lan rộng, sâu, hoại tử hết phần da, thịt vùng cổ chân phải. Do thấy bệnh tình ngày càng nặng, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ khoa Chỉnh hình - Bỏng chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử nặng cổ chân phải, tạo ổ loét rộng có kích thước 20x15 cm. Các bác sĩ quyết định cắt bỏ ổ loét nhiễm trùng, sử dụng phương pháp phẫu thuật chuyển vạt Sural che phủ vùng cổ chân phải, giải phóng sẹo co rút cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công, bệnh nhân tỉnh táo, hồi lưu máu vạt tốt. Sau 7 ngày phẫu thuật, tình trạng vạt da ghép hồng hào, vết mổ khô, ổ loét cổ chân phải đã được che phủ kín, bệnh nhân không còn đau nhức và tập vận động co duỗi bàn chân tốt, các ngón chân không còn hiện tượng co rút. 

Xử trí thế nào khi bị rắn cắn?

Theo TS.BS Lê Xuân Dương - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mục tiêu của sơ cứu là loại bỏ bớt nọc độc và làm chậm sự dịch chuyển của nó từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể để bảo vệ tính mạng của bệnh nhân. Sau đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng về sau. Các bước sơ cứu như sau:

- Trấn an nạn nhân, không để nạn nhân tự đi lại. Cần để nạn nhân bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp

- Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn

ran can
Kỹ thuật băng ép bất động khi bị rắn cắn

- Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo để băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Vị trí băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.

- Hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân khó thở, nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế. Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24 - 48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

Những điều không được làm khi xử lý vết rắn cắn

- Tuyệt đối không tự garô làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch. Nó gây đau và rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô. Ngoài ra khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.

- Không chích, rạch, chọc tại vùng vết cắn: các biện pháp này không có lợi ích, rõ ràng gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh... nhiễm trùng nặng thêm).

- Hút nọc độc, chườm đá, sử dụng các loại thuốc dân gian, cố gắng bắt hoặc giết rắn...

Cùng chuyên mục