Hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt? Chuyên gia cảnh báo 5 sai lầm khi dùng thiết bị điện mà nhiều người đang mắc phải
Hóa đơn tiền điện tăng vọt dù bạn không sử dụng thêm thiết bị nào? Rất có thể nguyên nhân nằm ở những thói quen sử dụng thiết bị điện tưởng như vô hại hằng ngày.
Giá điện tăng thêm 4,8%, người dân sẽ phải trả thêm bao nhiêu tiền điện mỗi tháng?
Giá điện tăng hơn 100 đồng mỗi kWh, hóa đơn tiền điện nhà bạn tăng thêm bao nhiêu?
4 loại thiết bị gây tốn điện, bạn nên rút nguồn khi không ở nhà
Ngày nay, số lượng thiết bị điện trong mỗi gia đình có thể lên tới hàng chục chiếc: từ tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng, máy rửa bát, máy giặt và máy sấy… cho đến hàng loạt thiết bị nhỏ khác. Với từng ấy thiết bị cùng hoạt động, không khó để xảy ra một vài sai lầm khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt mà bạn không hề nhận ra.

Dưới đây là chia sẻ của các chuyên gia về thiết bị gia dụng và năng lượng để tìm ra những lỗi phổ biến nhất mà nhiều người đang mắc phải – cùng cách khắc phục ngay lập tức trước khi quá muộn.
Quên rút phích cắm thiết bị khi không sử dụng
Theo Clement Feng, Phó Chủ tịch bộ phận Quản lý Sản phẩm tại Briggs and Stratton Energy Solutions, cách đầu tiên – và dễ nhất – để tiết kiệm hóa đơn tiền điện trong năm nay chính là rút phích cắm thiết bị điện khi không dùng đến.
“Hãy thử đi một vòng quanh nhà, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những món đồ như laptop, máy in, máy pha cà phê, sạc điện thoại và nhiều thiết bị khác. Ngay cả khi đã tắt, TV và máy chơi game vẫn tiêu tốn điện năng nếu bạn không rút hẳn phích cắm", Feng chia sẻ.
Ông cũng lưu ý thêm rằng, đừng để bị đánh lừa bởi kích thước thiết bị. Những vật dụng nhỏ như máy nướng bánh mì hay máy pha cà phê – dù trông không đáng kể – vẫn có thể âm thầm tiêu hao điện nếu có màn hình hiển thị kỹ thuật số và luôn được cắm điện. Tích tiểu thành đại, chúng cũng góp phần không nhỏ vào hóa đơn mỗi tháng.
Sử dụng thiết bị điện vào giờ cao điểm
Xem kỹ hóa đơn tiền điện và tìm hiểu xem nhà cung cấp điện của bạn có tính giá cao hơn vào “giờ cao điểm” (thường vào giữa trưa) hay không cũng là một cách giúp tiết kiệm chi phí lâu dài.

“Hãy cân nhắc hẹn giờ để máy rửa bát, máy giặt và máy sấy hoạt động vào ban đêm hoặc sáng sớm, khi mức giá điện có thể thấp hơn”, Clement Feng gợi ý.
Ông cũng khuyên nên nấu ăn vào buổi tối muộn – thời điểm mà giá điện thường thấp hơn trong ngày.
Hệ thống điều hòa (HVAC) cũ kỹ hoặc không được bảo trì
Theo Mark Woodruff, Giám đốc sản phẩm cấp cao tại Trane Technologies, việc sưởi ấm và làm mát chiếm gần một nửa tổng lượng điện tiêu thụ trong nhà. Vì vậy, các sai lầm liên quan đến hệ thống HVAC thường là nguyên nhân lớn nhất khiến hóa đơn tăng cao.
Sử dụng hệ thống HVAC quá cũ hoặc không được bảo trì định kỳ có thể là “lỗ hổng” khiến bạn mất tiền oan mỗi tháng.
“Nếu lò sưởi của bạn đã gần hết tuổi thọ trung bình 15–20 năm, thường xuyên hỏng hóc hoặc hoạt động kém hiệu quả, thì việc thay mới sẽ là lựa chọn tối ưu hơn”, Woodruff cho biết.

Dù việc thay toàn bộ hệ thống HVAC có thể tốn kém ban đầu, nhưng các dòng máy đời mới có hiệu suất năng lượng vượt trội và giúp bạn tiết kiệm đáng kể về lâu dài.
Nếu hệ thống HVAC nhà bạn còn khá mới, đừng chủ quan: hãy bảo trì thường xuyên để đảm bảo vận hành tối ưu. Đừng quên thay bộ lọc gió, kiểm tra ống dẫn định kỳ và gọi thợ kỹ thuật ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Sử dụng thiết bị sưởi sai cách
Khi nhiệt độ mùa đông giảm sâu, nhiều người có xu hướng bật thêm máy sưởi hoặc vặn cao nhiệt độ trên điều hòa trung tâm. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến bạn "đốt ví" mà không hay biết.

“Máy sưởi di động rất tiện để làm ấm một căn phòng nhỏ, nhưng không hiệu quả nếu bạn muốn làm ấm cả ngôi nhà. Nếu bạn bật vài chiếc máy sưởi cả ngày, hóa đơn tiền điện sẽ tăng chóng mặt. Tương tự, việc liên tục tăng giảm nhiệt độ cũng không hề tốt. Cách tối ưu là đặt nhiệt độ khoảng 20 độ C khi ở nhà và giảm xuống khoảng 3–4 độ khi ra ngoài hoặc vào ban đêm", Brandon Young, CEO của Payless Power, chia sẻ.
Theo Young, việc thay đổi nhỏ này có thể giúp bạn tiết kiệm đến 10% chi phí điện hàng năm.
Sử dụng thiết bị điện kém hiệu quả
Ngày nay, hầu hết các thiết bị gia dụng đều có chế độ tiết kiệm điện – nhưng không phải ai cũng tận dụng triệt để. Nếu muốn giảm mạnh chi phí, bạn sẽ cần chủ động hơn trong cách sử dụng thiết bị mỗi ngày.

Những thay đổi nhỏ như điều chỉnh nhiệt độ hợp lý, chỉ giặt khi máy đầy, làm sạch bộ lọc thường xuyên và bảo dưỡng thiết bị định kỳ đều có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Hãy tránh nhồi nhét hoặc để quá ít đồ trong máy giặt và máy sấy, đừng rửa sơ bát đĩa trước khi cho vào máy rửa bát, và đảm bảo tủ lạnh được sắp xếp đều để khí lạnh phân bố hiệu quả. Những thay đổi nhỏ này chính là chìa khóa giúp hóa đơn tiền điện dễ thở hơn.