Hồ nước sở hữu vẻ đẹp ma mị, là "sát thủ" giết người trong tích tắc
Ẩn sau vẻ đẹp ma mị là những nguy hiểm rình rập con người, bởi nó chính là "sát thủ" máu lạnh có thể giết người trong tích tắc.
"Sát thủ" ẩn mình trong vỏ bọc hoàn hảo này là hồ Karachay. Đây là một hồ nước ngọt nằm ở vùng núi phía nam Ural, thuộc vùng Chelyabinsk, miền trung nước Nga.
Theo nghiên cứu, một người đàn ông chỉ cần đứng gần khu vực hồ Karachay trong khoảng 60 phút sẽ bị nhiễm phóng xạ lên tới 600 roentgen. Với lượng độc tố này, tính mạng của một người trưởng thành khỏe mạnh có thể sẽ bị đe dọa trong tích tắc.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên xuất phát từ việc rò rỉ chất xả thải từ Khu liên hợp sản xuất Mayak, một trong những cơ sở hạt nhân lớn nhất nước Nga. Theo đó, hầu hết chất phóng xạ ở đây đều chảy xuống hồ Karachay, khiến nơi này trở nên vô cùng ô nhiễm và nguy hiểm bậc nhất.
Ước tính có 500 triệu curie (đơn vị đo phóng xạ) nguyên tử nuclide phóng xạ beta được đổ vào hồ Karachay khoảng những năm 1950 theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chia sẻ. Từ sau sự kiện trên, nước phóng xạ cũng thấm vào các mạch nước ngầm và lan ra xa khoảng 4,8 km bán kính quanh khu vực nước hồ.
Quy mô của tình trạng ô nhiễm trở nên rõ ràng vào mùa hè năm 1967, khi xảy ra đợt hạn hán. Trong tình trạng này, lòng hồ khô cạn và bụi phóng xạ bị cuốn bay đến những khu dân cư lân cận, gây nhiễm phóng xạ ở mức độ cao cho hàng chục ngôi làng địa phương. Theo báo cáo, tỷ lệ mắc ung thư tăng 21% với những người sống ở địa phương, tỷ lệ dị tật bẩm sinh tăng 25% và tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu tăng 41%. Cũng chính vì sự nguy hiểm này mà nhiều mảnh đất vô cùng rộng lớn ở vùng Chelyabinsk đã không còn bóng người sinh sống.
Để hạn chế ảnh hưởng của các chất phóng xả ở khu vực hồ đến các khu vực dân cư xung quanh, chính quyền nước Nga đã niêm phong hồ Karachay bằng các khối đá tổng hợp và các khối bê tông cực lớn. Sau nhiều nỗ lực dọn dẹp các chất phóng xạ, tình trạng ở khu vực này đã thay đổi đáng kể.
Năm 2016, theo báo cáo của Tổ chức Kỹ thuật Hạt nhân Quốc tế, hồ Karachay đã được lấp đầy bằng đất đá và các khối bê tông chuyên dụng. Theo thông tin trên trang web của Mayak, quá trình giám sát trong 10 tháng đầu tiên sau khi hồ nước được phủ kín cho thấy sự giảm đáng kể về lượng nuclide phóng xạ trên bề mặt, mức độ phóng xạ trong nước ngầm vẫn duy trì trong giới hạn an toàn và không gây lo ngại. Tuy nhiên, theo báo cáo mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chia sẻ, dù hồ Karachay biến mất hoàn toàn khỏi Trái đất, những vấn đề liên quan đến nó vẫn tiếp tục tồn tại.