Hàng hóa nguy cơ tăng theo lương từ sau 1/7, Bộ Tài chính nói gì?
Trước nguy cơ giá cả mặt hàng thiết yếu rục rịch tăng đón đầu khi lương cơ sở tăng từ 1/7, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã đưa ra những giải pháp nhằm bình ổn hàng hóa, kiềm chế lạm phát.
Từ 1/7, lương cơ sở chính thức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 20,8%). Điều này cũng khiến nhiều người lo ngại việc lương cơ sở tăng khiến mặt bằng giá cả tăng theo.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 16/6 tại buổi họp báo thường niên quý II/2023, đại diện Cục Quản lý giá cho biết đã và đang chuẩn bị nhiều kịch bản để bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, giảm khó khăn cho người dân trước tình trạng hàng hóa, dịch vụ tăng giá “tát nước theo mưa" khi sắp áp dụng tăng lương cơ sở.
Cụ thể, Trưởng phòng Quản lý thẩm định giá - Cục Quản lý giá - ông Phạm Văn Bình cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng 3 kịch bản cho những tình huống có thể xảy ra trong quá trình điều hành giá như tăng lương và một số tình huống khác trong thời gian sắp tới”.
“Tháng 7 tới sẽ tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, chúng tôi đã tính toán rất kỹ để cuối năm 2023 lạm phát không vượt quá 4,5% chỉ tiêu do Quốc hội giao”, ông nói thêm.
Việc tăng lương cơ sở được thực hiện từ ngày 1/7 nhưng từ những ngày đầu tháng 5/2023, giá điện sinh hoạt đã được điều chỉnh tăng 3%. Bên cạnh đó, từ tháng 7 năm nay giá nước sinh hoạt của thành phố Hà Nội cũng sẽ tăng theo đề xuất của Sở Tài Chính. Điện, nước là 2 mặt hàng không thể thiếu của người dân và có nhu cầu sử dụng cao đặc biệt vào thời điểm nắng nóng. Việc giá 2 mặt hàng này tăng trước và cùng thời điểm tăng lương cơ sở khiến người dân lo ngại sẽ tạo nên “cơn sốt” giá cả hàng hóa trên thị trường, dẫn đến việc lương tăng không đủ bù đắp chi phí cho các sinh hoạt thiết yếu.
Bộ Tài chính lên kịch bản ứng phó với nguy cơ hàng hóa đội giá khi lương cơ sở tăng. Ảnh: Người đưa tin.
Theo đó, Bộ Tài chính lên kịch bản tập trung chỉ đạo vào 3 nhóm nội dung cụ thể:
Thứ nhất là bám sát thị trường, giá cả để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, chú ý đặc biệt đến các mặt hàng chiến lược như xăng, dầu…vì có thể từ giá cả của mặt hàng này sẽ tác động sang giá các mặt hàng khác. Liên tục nắm bắt tình hình, cân đối cung cầu của các mặt hàng này trong quá trình điều hành giá.
Thứ hai, với các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành thận trọng phù hợp tình hình thực tế.
Thứ ba, theo dõi sát sao hoạt động kê khai, thông báo giá và kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý giá để tránh tình trạng xảy ra hiện tượng găm hàng, đầu cơ tăng giá.
Hơn nữa, Bộ Tài Chính sẽ thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương chú trọng công tác truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh thêm về vấn đề này: “Để làm tốt công tác quản lý giá khi chúng ta tiến hành tăng lương cơ sở từ 1/7 là truyền thông giải quyết vấn đề tâm lý. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông khi thời điểm 1/7 cận kề để mọi người dân, mọi người tiêu dùng cũng như cả xã hội thấy rằng việc tăng lương cơ sở là hết sức bình thường và đã nằm trong kế hoạch".