Thứ hai, 04/12/2023, 07:13 (GMT+7)

Hà Nội yêu cầu đảm bảo hàng hóa, không để tăng giá đột biến dịp Tết 2024

UBND TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp đến, đây cũng là dịp nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân càng tăng cao. Mới đây, UBND TP yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại, các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, báo An ninh thủ đô thông tin.

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết để kịp thời báo cáo UBND TP có biện pháp đảm bảo lượng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, tăng giá đột biến. 

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan như NN&PTNT, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải… tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết...

Các sở, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các chợ trên địa bàn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân; đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến hàng về khu vực nông thôn để phục vụ tốt Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi sát tình hình sản xuất, nguồn cung, giá cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Đồng thời, bố trí địa điểm cho doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng, điểm kinh doanh, bố trí tổ chức các hội chợ, chợ hoa, điểm bán hàng phục vụ Tết.

anhmh-4013
Hà Nội yêu cầu đảm bảo hàng hóa, không để tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán 2024. (Ảnh minh họa: Báo Tin Tức)

Đồng thời phối hợp với Cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra công tác phòng chống cháy, nổ tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí,.. trên địa bàn. Kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và các điểm trông giữ xe không phép, trái phép, vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Công an TP Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm buôn lậu, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Lợi dụng nhu cầu mua sắm cuối năm để đầu cơ găm hàng, nâng giá kiếm lợi bất chính, tổ chức sản xuất, kinh doanh vi phạm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.

TP chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024. Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về khuyến mại, thương mại điện tử, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương theo phân cấp.

Chỉ đạo các đơn vị điện lực trên địa bàn cung ứng điện đầy đủ, ổn định, có phương án dự phòng cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng công tác bảo vệ an toàn phòng, chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi..

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hàng năm là dịp cao điểm mua sắm nên sức mua của người dân sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023). 

Do đó, Hà Nội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh kết nối để bảo đảm nguồn cung ổn định hàng hóa thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô vào dịp cuối năm.

Cùng chuyên mục