Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 06/08/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 7/8: Tăng, giảm đan xen do lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Giá xăng dầu hôm nay 7/8 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang7

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7/8 được áp dụng theo kỳ điều chỉnh từ 15h ngày 1/8 của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 284 đồng/lít, xuống còn 21.616 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 281 đồng/lít, xuống còn 22.603 đồng/lít. Giá dầu điêzen 0.05S giảm 316 đồng/lít, xuống còn 19.878 đồng/lít; đầu hỏa giảm 231 đồng/lít, xuống còn 20.095 đồng/lít; dầu madút 180CST 3.5S giảm giảm 292 đồng/kg, còn 16.886 đồng/kg. 

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 31 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 12 kỳ tăng đồng loạt, 10 kỳ giảm giá, 9 kỳ giảm giá xăng dầu tăng – giảm đan xen.

Theo đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo tình hình xăng dầu thế giới. Dự báo trong kỳ điều hành giá kỳ tới (thứ Năm, ngày 8/8) giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm. Trong đó, giá xăng RON 95 dự báo giảm 280 đồng/lít; xăng E5 RON 92 dự báo giảm 370 đồng/lít; dầu DO dự báo giảm 230 đồng/lít.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc 5h ngày 7/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 72,96 USD/thùng, tăng 0,36% (tương đương tăng 0,26 USD/thùng). Ngược lại, giá dầu Brent ở mốc 76,11 USD/thùng, giảm 0,2% (tương đương tăng 0,15 USD/thùng).

Giá dầu thế giới hôm nay tăng, phục hồi sau mức thấp nhất trong nhiều tháng đạt được trong phiên trước, khi sự chú ý của các nhà đầu tư chuyển sang tình trạng khan hiếm nguồn cung và thị trường tài chính phục hồi sau sự sụt giảm gần đây. Theo Reuters, Iran thề trả đũa Israel và Mỹ sau vụ giết hại hai thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah hồi tuần trước đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn đang diễn ra ở Trung Đông, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung từ khu vực này.

Bên cạnh đó, sản lượng thấp hơn tại mỏ dầu Sharara 300.000 thùng/ngày của Libya cũng làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya cho biết, họ sẽ bắt đầu giảm dần sản lượng tại mỏ này do các cuộc biểu tình. Sự sụt giảm gần đây trong lượng dầu thô và nhiên liệu dự trữ tại các trung tâm thương mại lớn cũng đang hỗ trợ giá dầu.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận xét, các yếu tố cơ bản về dầu mỏ vẫn cho thấy thị trường dầu đang thiếu nguồn cung, với lượng dầu tồn kho vẫn đang giảm. Theo ông Staunovo, nhu cầu xăng ở Mỹ có thể đạt hơn 9 triệu thùng/ngày trong tuần trước, thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế.

Trước đó, theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu tồn kho toàn cầu đã giảm khoảng 400.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm nay. Cơ quan này dự báo ​​lượng dầu tồn kho sẽ giảm khoảng 800.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm. Cơ quan này cũng đã hạ dự báo giá dầu trung bình cho năm nay và năm sau, với lý do giá giảm gần đây do lo ngại về kinh tế. EIA vẫn kỳ vọng giá sẽ cao hơn trong những tháng tới. Theo EIA, giá giao ngay của dầu Brent sẽ dao động trong khoảng từ 85 - 90 USD/thùng vào cuối năm.

Mặt khác, cuộc họp mới đây của các bộ trưởng dầu mỏ của OPEC và các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) đã kết thúc với chính sách sản lượng dầu được giữ nguyên. Theo chính sách của OPEC+, một số thành viên được khuyến khích loại bỏ dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025. Nhóm OPEC+ cũng đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày trước đó cho đến cuối năm 2025, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.

Cùng chuyên mục