Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 03/08/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 4/8: Liên tiếp nối dài chuỗi giảm tuần

Giá xăng dầu hôm nay 4/8 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang4

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4/8 được áp dụng theo kỳ điều chỉnh từ 15h ngày 1/8 của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 284 đồng/lít, xuống còn 21.616 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 281 đồng/lít, xuống còn 22.603 đồng/lít. Giá dầu điêzen 0.05S giảm 316 đồng/lít, xuống còn 19.878 đồng/lít; đầu hỏa giảm 231 đồng/lít, xuống còn 20.095 đồng/lít; dầu madút 180CST 3.5S giảm giảm 292 đồng/kg, còn 16.886 đồng/kg. Đây là lần giảm giá thứ 4 liên tiếp của giá xăng.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 31 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 12 kỳ tăng đồng loạt, 10 kỳ giảm giá, 9 kỳ giảm giá xăng dầu tăng – giảm đan xen.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc 4h ngày 4/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 74,14 USD/thùng, giảm 3,66% (tương đương giảm 2,79 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 77,56 USD/thùng, giảm 3,41% (tương đương giảm 2,71 USD/thùng).

Giá dầu thế giới hôm nay ổn định nhưng vẫn hướng tới tuần giảm thứ 4 liên tiếp vì dấu hiệu tăng trưởng yếu của nhu cầu nhiên liệu toàn cầu lấn át nỗi lo về tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông. Theo nhận xét của nhà phân tích Ashley Kelty của Panmure Liberum, tăng trưởng kinh tế yếu ở các nền kinh tế lớn có thể kìm hãm nhu cầu dầu mỏ mặc dù căng thẳng gia tăng ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu và một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất yếu hơn trên khắp Châu Á, Châu Âu và Hoa Kỳ đã làm dấy lên nguy cơ kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ dầu. Hoạt động sản xuất suy giảm tại Trung Quốc cũng kìm hãm giá cả, làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng nhu cầu sau khi dữ liệu tháng 6 cho thấy hoạt động nhập khẩu và lọc dầu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, cuộc họp mới đây của các bộ trưởng dầu mỏ của OPEC và các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) đã kết thúc với chính sách sản lượng dầu được giữ nguyên. Theo chính sách của OPEC+, một số thành viên được khuyến khích loại bỏ dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025. Nhóm OPEC+ cũng đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày trước đó cho đến cuối năm 2025, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.

Các nhà đầu tư dầu mỏ cũng đang theo dõi diễn biến ở Trung Đông, nơi việc sát hại các thủ lĩnh cấp cao của các nhóm chiến binh Hamas và Hezbollah liên kết với Iran làm dấy lên lo ngại rằng khu vực này có thể đứng trước bờ vực chiến tranh toàn diện, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung.

Cùng chuyên mục