Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 31/07/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 1/8: Thế giới tăng mạnh do lo xung đột leo thang

Giá xăng dầu hôm nay 1/8 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang1

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1/8 được áp dụng theo kỳ điều chỉnh từ 15h ngày 25/7 của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 274 đồng/lít, xuống còn 21.900 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 294 đồng/lít, xuống còn 22.884 đồng/lít. Giá dầu điêzen 0.05S giảm 310 đồng/lít, xuống còn 20.194 đồng/lít; dầu hỏa giảm 338 đồng/lít, xuống còn 20.326 đồng/lít; dầu madút 180CST 3.5S giảm 433 đồng/kg, còn 17.178 đồng/kg.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 30 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 12 kỳ tăng đồng loạt, 9 kỳ giảm giá, 9 kỳ giảm giá xăng dầu tăng – giảm đan xen.

Dựa trên diễn biến giá xăng dầu thế giới, lãnh đạo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành chiều nay (1/8) có khả năng được điều chỉnh giảm. Các doanh nghiệp xăng dầu dự báo, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm từ 280 - 350 đồng/lít; còn giá dầu diesel dự kiến giảm 250 - 350 đồng/lít. Trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ bình ổn giá thì giá xăng có khả năng giữ nguyên hoặc giảm ít hơn. Như vậy, nếu dự báo trên là chính xác thì các mặt hàng xăng trong nước sẽ ghi nhận lần giảm thứ 4 liên tiếp.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, dữ liệu từ Oilprice cho hay, mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 1/8, giá dầu WTI ở mốc 78,64 USD/thùng, tăng 4,26% (tương đương tăng 3,18 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 80,72 USD/thùng, tăng 2,66% (tương đương tăng 2,09 USD/thùng).

Giá dầu thế giới tăng gần 3% vào hôm nay khi các nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc xung đột ở Trung Đông có thể lan rộng, sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát tại Iran và sau khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh. Theo Reuters, báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, trong tuần tính đến ngày 26/7, tồn kho dầu của Mỹ đã giảm 3,4 triệu thùng, cao hơn gấp 3 lần so với mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích. Dự trữ giảm trong 5 tuần liên tiếp, đây là chuỗi giảm kéo dài nhất kể từ tháng 1/2021. Tồn kho xăng của Mỹ cũng giảm 3,7 triệu thùng, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.

Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler nhận xét, báo cáo của EIA có tác động hỗ trợ khiêm tốn cho giá dầu, đồng thời nhấn mạnh rủi ro địa chính trị vẫn là động lực chính của đợt tăng giá trong phiên.

Cùng đó, Gaurav Sharma, một nhà phân tích dầu mỏ độc lập tại London cho rằng, rủi ro địa chính trị gia tăng chỉ mang lại sự hỗ trợ tạm thời cho giá dầu. Nếu cơ sở hạ tầng dầu khí không bị ảnh hưởng, đợt tăng giá mới nhất khó có thể kéo dài. Chỉ số USD giảm 0,4% cũng hỗ trợ giá dầu leo dốc.

Hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên là lo ngại về nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Một cuộc khảo sát chính thức về nhà máy cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Năng lực sản xuất dự phòng dồi dào của các thành viên OPEC cũng tác động đến giá dầu khi OPEC+ dự kiến sẽ duy trì thỏa thuận sản xuất hiện tại và bắt đầu dỡ bỏ một số lệnh cắt giảm sản lượng từ tháng 10.

Cùng chuyên mục