Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 29/06/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 30/6: Giảm nhẹ do ảnh hưởng chốt lời của giới đầu tư

Giá xăng dầu hôm nay 30/6 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang30

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 30/6 được áp dụng theo kỳ điều chỉnh giá từ 15h chiều ngày 27/6 của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 506 đồng/lít, lên mức 22.014 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 544 đồng/lít lên mức 23.010 đồng/lít. Giá dầu điêzen 0.05S tăng 329 đồng/lít, lên mức 20.689 đồng/lít; dầu hỏa tăng 258 đồng/lít, ở mức 20.614 đồng/lít; dầu madút 180CST 3.5S tăng 223 đồng/kg, lên mức 17.446 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 26 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 11 kỳ tăng đồng loạt, 7 kỳ giảm giá, 8 kỳ giảm giá xăng dầu tăng – giảm đan xen.

Theo đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo tình hình xăng dầu thế giới. Dự báo trong kỳ điều hành giá kỳ tới, giá xăng dầu nhiều khả năng sẽ quay đầu giảm.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, dữ liệu ghi nhận trên Oilprice lúc mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 30/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 81,46 USD/thùng, giảm 0,24% (tương đương giảm 0,20 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 84,84 USD/thùng, giảm 0,30% (tương đương giảm 0,26 USD/thùng).

Giá dầu thô WTI giảm 0,24% xuống mức 81,46 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,30% xuống mức 84,84 USD/thùng vào thứ Sáu do các nhà đầu tư cân nhắc nhu cầu nhiên liệu yếu của Mỹ và chốt lời của một số nhà giao dịch vào cuối quý 2 sau khi giá tăng hồi đầu tháng này.

Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng, vẫn không thay đổi trong tháng 5, làm dấy lên hy vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Công cụ CME FedWatch cho thấy, các nhà giao dịch hiện đang định giá 64% khả năng xảy ra đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9, tăng từ mức 50% hồi tháng trước. Việc nới lỏng lãi suất có thể mang lại lợi ích cho dầu vì nó có thể làm tăng nhu cầu của người tiêu dùng, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.

Theo các nhà phân tích, căng thẳng xuyên biên giới giữa Israel và lực lượng Hezbollah ngày càng leo thang làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột mở rộng có thể lôi kéo các quốc gia khác, bao gồm cả nhà sản xuất dầu mỏ lớn Iran tham gia. Lãnh đạo nhiều quốc gia và các chuyên gia lo ngại bất kỳ sự lan rộng xung đột nào cũng có thể tác động lớn đến nguồn cung dầu thô từ Trung Đông.

Cùng chuyên mục