Giá xăng dầu hôm nay 18/6: Leo dốc do triển vọng nhu cầu lạc quan
Giá xăng dầu hôm nay 18/6 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.
Giá xăng dầu hôm nay trong nước
Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 18/6 được áp dụng tại kỳ điều chỉnh giá của liên bộ Tài chính - Công Thương từ 15h ngày 13/6.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 169 đồng/lít, lên mức 21.310 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 258 đồng/lít lên mức 22.235 đồng/lít. Cùng đó, giá dầu diesel 0.05S tăng 218 đồng/lít, lên mức 19.640 đồng/lít; dầu hỏa tăng 302 đồng/lít, ở mức 19.859 đồng/lít. Trong khi đó, dầu mazut 180CST 3.5S giảm 396 đồng/kg, còn 16.889 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 24 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 9 kỳ tăng đồng loạt, 7 kỳ giảm giá, 8 kỳ giảm giá xăng dầu tăng – giảm đan xen.
Theo dự báo của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong kỳ điều chỉnh tới của liên bộ Tài chính – Công Thương (thứ 5, ngày 20/6), giá xăng dầu được dự báo đồng loạt tăng.
Giá xăng dầu hôm nay thế giới
Giá xăng dầu hôm nay, trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 18/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 80,62 USD/thùng, tăng 2,4% (tương đương tăng 1,88 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 84,39 USD/thùng, tăng 2,17% (tương đương tăng 1,79 USD/thùng). Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng gần 2 USD/thùng lên mức thanh toán cao nhất trong hơn 1 tháng do các nhà đầu tư ngày càng lạc quan hơn về triển vọng nhu cầu.
Tuần trước, cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đã ghi nhận mức tăng hằng tuần đầu tiên trong 4 tuần sau khi báo cáo từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan Năng lượng quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ làm gia tăng niềm tin nhu cầu dầu sẽ cải thiện trong nửa cuối năm và giúp tồn kho giảm. Sự trấn an từ OPEC và các đồng minh (OPEC+) rằng kế hoạch tăng nguồn cung từ quý IV năm nay có thể tạm dừng hoặc bị hủy bỏ tùy điều kiện thị trường cũng giúp giá ổn định, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.
Theo nhận xét của Ole Hansen của Ngân hàng Saxo, yếu tố hỗ trợ giá dầu tăng là triển vọng nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ trong quý tới cùng sự trấn an của Saudi Arabia về việc tăng giá trong tháng 10 tùy thuộc vào các điều kiện phổ biến và tập trung thêm vào việc cắt giảm hạn ngạch để giảm sản lượng và ổn định.
Theo Reuters, các nhà giao dịch đang mua lại lượng dầu mà họ đã bán hết vào tuần trước sau khi có sự đảm bảo của OPEC+, điều này đã thúc đẩy giá dầu leo dốc. Hỗ trợ giá dầu tăng còn bởi dữ liệu kinh tế từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, công bố ngày 17/6 cho thấy, đầu tư sản xuất tại Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng mạnh mẽ 9,6%. Tuy nhiên, các dữ liệu khác lại trái chiều với sản lượng công nghiệp thấp hơn kỳ vọng.