Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 18/03/2024, 15:26 (GMT+7)

Vì sao giá vé máy bay tăng cao mà doanh nghiệp hàng không vẫn kêu lỗ?

Nghịch lý tồn tại trên thị trường hàng không khiến nhiều đặt ra câu hỏi vì sao các doanh nghiệp hàng không liên tục báo lỗ trong khi giá vé máy bay không ngừng tăng cao thời gian qua.

Trong khi giá vé máy bay liên tục tăng cao thì các doanh nghiệp hàng không vẫn liên tục báo lỗ, thậm chí nhiều hãng phải cắt giảm nhiều đường bay để duy trì "sức khỏe" cho doanh nghiệp. Hiện mức lỗ của Vietnam Airlines đã lên đến 37 nghìn tỷ đồng, năm nào lãi nhất cũng chỉ được 3 nghìn tỷ đồng; Bamboo Airways đã phải cắt giảm 2/3 đội bay và 80% mạng bay; Vietjet cũng đang gặp những khó khăn tương tự.

z5260639054518_230e449850c2e15dc9e8c67ddda75268
Giá vé máy bay tăng cao mà doanh nghiệp hàng không vẫn kêu lỗ. (Ảnh: Vietnam+)

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) tại phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 18/3 cho rằng, giá vé máy bay đang tồn tại một nghịch lý là càng tăng giá thì doanh nghiệp càng lỗ. Theo đó ông Huân đề nghị cần phải có sự rà soát, thanh tra, kiểm tra về tình hình giá vé tại các doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. 

Đối với doanh nghiệp hàng không, ông Huân cho rằng, không nhất thiết phải tăng giá vé bởi nếu giá vé cao người dân đi ít thì doanh thu vẫn thấp, khi giá giảm, người dân đi lại nhiều thì doanh thu sẽ tăng cao. Do vậy các doanh nghiệp hàng không cũng khó có thể tăng trưởng ổn định. 

Cũng tại phiên họp đầu tuần, nhiều đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính làm rõ vấn đề này đồng thời đưa ra giải pháp để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại và kích cầu ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh thời gian tới.

Lý giải về nghịch lý nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá vé máy bay hiện đang thực hiện đúng quy định giá trần đối với vé máy bay, khung trần đó do Bộ Giao thông Vận tải quy định. Qua kiểm tra, giám sát, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay hiện nay đang thực hiện đúng theo khung quy định, không vi phạm quy định của pháp luật về giá. 

Theo tư lệnh ngành Tài chính, trong 4 năm gần đây, do đại dịch, các chuyến bay ngưng trệ, lượng khách nội địa và nước ngoài đều hạn chế. Bước sang năm 2023 - 2024 thì kinh tế thế giới suy giảm, xung đột vũ trang xảy ra, lượng khách trong nước và khách quốc tế suy giảm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống hàng không.

“Trước đây khách du lịch của Nhật, Nga vào chúng ta rất nhiều, nhưng bây giờ tình hình Nga như vậy, Nhật Bản thì giá trị đồng Yên giảm, cho nên lượng khách du lịch vào ít”, ông Phớc nói.

Để giảm chi phí đầu vào, tái cơ cấu hệ thống dịch vụ hàng không, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề quản trị và hạ giá thành là vấn đề doanh nghiệp tư nhân rất quan tâm. Với Vietnam Airlines, Bộ Tài chính cũng đã có các yêu cầu nhằm tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo được hiệu quả kinh doanh.

Cùng chuyên mục