Lãi suất về sâu nhưng nợ cũ vẫn duy trì ở mức cao, ngân hàng nói gì?
Bất chấp lãi suất huy động liên tục về sâu ở mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua, lãi vay với các khoản nợ cũ vẫn duy trì ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.
Ghi nhận tại hệ thống ngân hàng cho thấy, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, lãi suất đối với các khoản vay cũ dù có giảm tùy theo chính sách của từng ngân hàng song nhìn chung hiện vẫn còn cao. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đâu.
Báo Đầu tư dẫn lời ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, bản thân ông đang phải chịu lãi suất cao với các khoản vay cũ trước đây.
“Lãi suất huy động đã giảm mạnh, tại sao các khoản vay cũ vẫn neo lãi suất cao như vậy? Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp “rắn” để các ngân hàng hàng thương mại hạ lãi vay các khoản nợ cũ của doanh nghiệp”, ông Thân đề nghị.
Tương tự ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đang phải chịu lãi suất cho vay cao hơn nhiều các đối thủ cạnh tranh, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
“Hiện nay, lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam, mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu. Riêng Banglades hiện nay lãi suất khoảng 8%, nhưng họ lại lạm phát trên 10%, nên xét về lãi suất thực dương thì Việt Nam đang là nước có lãi suất thực dương lớn nhất trong các nước xuất khẩu dệt may”, ông Trường cho biết.
Theo đại diện Tập đoàn, tổng dư nợ vay của Vinatex trong năm 2023 đã giảm giảm 11% song chi phí trả lãi ngân hàng của tập đoàn lại tăng tới 10% so với năm 2022 và tăng 30% so với năm 2021. Sang năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục phải gồng gánh khoản nợ khi chưa nhìn thấy khả năng chí phí lãi phải trả thấp hơn so với năm 2023.
Trước những bức xúc của doanh nghiệp liên quan đến lãi suất khoản vay cũ tại các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần đề nghị các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất các khoản vay cũ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định lãi suất điều hành trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, lãi suất huy động thời gian qua đã giảm rất nhiều, song còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến các thủ tục và chi phí liên quan. Điều này khiến lãi suất cho vay khó có thể giảm nhanh.
Không những thế, mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) và các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đang có sự chênh lệch khá lớn. Các ngân hàng thương mại đã huy động vốn với lãi suất cao (10-12%/năm trong năm 2022) đến nay vẫn chậm giảm lãi suất. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giảm lãi suất nhanh hơn. Điều này dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp vay vốn để “đảo nợ”.
- Xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng
- NHNN yêu cầu các ngân hàng công bố lãi suất cho vay trước ngày 1/4
- Lãi suất cho vay mua nhà ở ngân hàng nào thấp nhất?
- Bộ đôi Galaxy A55 5G và A35 5G có giá bán chỉ từ 8,3 triệu đồng
- Nằm ngủ theo tư thế nào tốt nhất cho sức khỏe?
- Bỏ túi 6 mẹo nhỏ giúp giảm gánh nặng chuyển nhà
- Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không còn nỗi lo phải mở ngực, cưa xương ức
- Thị trường bất động sản vừa phục hồi đã lo tăng giá
- Tỷ giá đồng USD "hạ nhiệt" trên thị trường tự do