Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam cao nhất 10 năm qua
Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 3 tháng đầu năm ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Đây là mức giá gạo xuất khẩu bình quân cao nhất trong 10 năm qua.
Dù giảm mạnh về khối lượng nhưng trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, xuất khẩu tháng 3/2023 đạt 900.000 tấn với giá trị 480 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm đạt 1,8 triệu tấn với giá trị 952 triệu USD. Xuất khẩu gạo trong quý I tuy giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng tới 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 3 tháng đầu năm ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá gạo xuất khẩu bình quân cao nhất trong 10 năm qua.
Giá gạo xuất khẩu tăng cao là nhờ tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp cao như: gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản… có giá bán cao đã tăng mạnh. Hiện tỷ trọng gạo phẩm cấp cao đã chiếm 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với giá bán dao động từ 600 - 1.000 USD/tấn.
Quý I/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đạt trung bình khoảng 450 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt khoảng 430 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ.
Đầu của tháng 4/2023, giá gạo xuất khẩu Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh trên thị trường gạo châu Á. Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam hiện dạt lần lượt 473 USD/tấn và 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm 31/3/2023.
Trong quý I năm nay, Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 43,3% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước với khối lượng đạt 608.000 tấn, tương ứng 409 triệu USD.
Thị trường Trung Quốc đừng thứ 2 về tiêu thụ gạo Việt Nam. Trong quý đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 86% về lượng và tăng 120% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt giá gạo xuất khẩu bình quân sang trung Quốc đạt trung bình 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc đã trở nên khó tính, chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, như gạo thơm và gạo nếp. Đó là lý do khiến giá gạo xuất khẩu bình quân vào thị trường này tăng mạnh.
Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam. Lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia trong quý đầu năm đạt 286 nghìn tấn, và 136 triệu USD; chiếm 16% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước".
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý II của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực hơn quý I. Đặc biệt, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao.
Ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.