Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt 7 triệu tấn trong năm 2023
Giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu lương thực tăng cao. Dự báo kim ngạch có thể đạt từ 6,5 - 7 triệu tấn trong năm nay.
Cả năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn - mức cao nhất 10 năm. Đà tăng giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn duy trì trong 2 tháng đầu năm 2023 với mức bình quân hơn 519 USD một tấn. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị Trung Quốc đã vượt 100.000 tấn, đạt kim ngạch gần 62 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu gạo tăng hơn 130% về lượng và hơn 180% về giá trị.
Nhu cầu từ các thị trường đang dần phục hồi trở lại. Đặc biệt, số các đơn hàng từ Trung Quốc và Philippines đang tăng mạnh. Theo nhà máy gạo tại ĐBSCL, bước sang tháng 3 các nước đều có nhu cầu dự trữ lương thực khá lớn. Việt Nam lại xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm có chất lượng cao nên có giá bán tốt.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay sẽ có nhiều thuận lợi. Dự báo kim ngạch có thể đạt từ 6,5 - 7 triệu tấn. Tác động biến đổi khí hậu sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung gạo từ các nước lớn.
Trung Quốc đã mở cửa trở lại nên nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng. Thêm vào đó là tình hình hạn hán kéo dài tại Trung Quốc khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023.
Lượng tồn kho tại Philipines giảm do nhiều diện tích gieo trồng của nước này bị tàn phá bởi bão Noru, chi phí phân bón tăng cao khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022-2023.
Diện tích gieo cấy tại Ấn Độ giảm 380.000 ha do hạn hán, dự kiến sản lượng của đợt gieo trồng thu hoạch vào mùa thu và đầu đông chiếm 80% sản lượng nước này, có thể lên tới 10-12 triệu tấn cho niên vụ 2022/2023. Sự sụt giảm nguồn cung tại Ấn Độ là tác nhân chính cho dự báo thâm hụt gạo toàn cầu năm tới. Do đó, Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn và thúc đẩy xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường, đạt mục tiêu xuất khẩu gạo. Hiện nay, ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Nếu được tiếp cận nguồn vốn dồi dào, tăng cường việc thu mua sẽ đảm bảo được lợi nhuận cho nông dân. Đây cũng là vụ mùa cho ra sản lượng lúa chất lượng tốt nhất để các nhà máy chế biến và gia tăng kim ngạch xuất khẩu.