Du lịch Y Tý - điểm dừng chân mới lạ cho các phượt thủ
Lựa chọn du lịch Y Tý được rất nhiều bạn trẻ yêu thích bởi đây là một địa điểm săn mây nổi tiếng bậc nhất tại Lào Cai. Y Tý mang trong mình sự bình lặng, mộc mạc với cảnh vật thiên nhiên trù phú, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Y Tý ở đâu?
Y Tý là một xã vùng cao biên giới thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Toàn xã có tổng số gần 800 hộ sinh sống trên 16 thôn bản với 4 dân tộc: Mông, Hà Nhì, Dao và Kinh. Đây là nơi sinh sống duy nhất của người dân tộc Hà Nhì.
Y Tý cao hơn 2000m so với mực nước biển, nhiệt độ quanh năm ôn hòa. Tuy nhiên, có những thời điểm vào mùa đông, nhiệt độ xuống dưới mức 0 độ C, trời sương giá và có tuyết rơi.
Đến du lịch Y Tý, du khách sẽ được tham gia những phiên chợ đông vui, tấp nập với nhiều loại nông sản, rau củ quả được bà con mang tới. Du khách còn được tham quan và chiêm ngưỡng Cột Cờ Lũng Pô - Cột mốc giáp biên với nước bạn Trung Quốc. Đây cũng là cửa ngõ đầu tiên đón dòng sông Hồng chảy vào đất Việt.
Những thửa ruộng bậc thang trải dài từ đỉnh núi xuống tận những khe suối, như những “thác vàng, thác bạc” tuôn chảy mỗi mùa lúa chín hay khi đổ ải. Chính những cảnh đẹp đó đã tạo nên một sức hút vô hình kéo những làm mây bồng bềnh, trắng muốt hội tụ về đây. Chẳng thế mà Y Tý được mệnh danh là “thánh địa săn mây” được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Nên khám phá Y Tý vào thời điểm nào?
Ở Y Tý có 3 khoảng thời gian được cho là đẹp nhất và cũng được nhiều bạn trẻ yêu thích nhất đó là mùa lúa chín, mùa săn mây và mùa nước đổ.
-
Tầm giữa tháng 8 đến khoảng giữa tháng 9 là khoảng thời gian Y Tý vào mùa lúa chín.
-
Khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm là mùa săn mây tại Y Tý.
-
Khoảng từ tháng 5 đến tháng 6 là thời gian Y Tý vào mùa nước đổ.
Ngoài ra, nếu bạn thích tham gia các lễ hội lớn của người Hà Nhì thì có thể đến với Y Tý vào tầm khoảng tháng 7 - tháng 8. Vào những năm có thời tiết lạnh thì Y Tý cũng là một địa điểm có tuyết rơi cùng với Sa Pa và Mẫu Sơn.
Di chuyển đến Y Tý bằng phương tiện gì?
Để có thể đến vùng đất của Y Tý, du khách có thể lựa chọn nhiều cách di chuyển, cùng với các loại phương tiện khác nhau.
Di chuyển đến Lào Cai
-
Nếu bạn ở Hà Nội và muốn di chuyển đến Lào Cao thì có thể chọn một trong những phương tiện như: tàu hỏa, xe khách giường nằm với thời gian di chuyển lần lượt là 8 tiếng và 5 tiếng. Hiện nay các hãng xe khách đi từ Hà Nội lên Lào Cai có mức phí khoảng 250.000 VNĐ, còn tàu hỏa vé dao động khoảng 400.000 VND.
-
Đối với du khách từ khu vực thành phố Hồ Chí Minh muốn đến du lịch Y Tý thì có thể đặt vé máy bay đi Hà Nội là phương thức tối ưu nhất, sau đó làm theo hướng dẫn đã nói ở trên.
Phương tiện đi từ Lào Cai đến Y Tý
Mặc dù chỉ cách thành phố Lào Cai 80km, nhưng thời gian di chuyển đến Y Tý cần đến 5 đến 6 giờ, trong đó phương tiện được sử dụng phổ biến nhất chính là xe máy. Tùy từng khách du lịch có thể thuê xe máy hoặc gửi xe máy bằng đường tàu hỏa từ Hà Nội lên. Để di chuyển đến được Y Tý, du khách có thể chọn một trong hai cung đường sau:
-
Từ Lào Cai hướng đến Bát Xát → Trình Tường → Lũng Pô → A Mú Sung → A Lù → Ngải Thầu → Y Tý. Trong quá trình di chuyển trên cung đường này, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn cảnh vật tự nhiên tuyệt vời. Tuy nhiên vào mùa mưa thì đây là tuyến đường khá nguy hiểm và khó di chuyển bởi ảnh hưởng của sạt lở, lũ quét gây nên.
-
Xuất phát từ Lào Cai đi Sapa → Mường Hum → Dền Sáng → Y Tý. Tuyến đường này bình thường cũng khá khó đi do có đá dăm nhỏ, do đó bạn nên cẩn thận và di chuyển từ từ.
Địa điểm lưu trú khi đi du lịch Y Tý
Tại Y Tý chưa có khách sạn và nhà nghỉ khang trang để phục vụ du khách. Do chính sách phát triển du lịch của vùng cùng với phong tục tập quán, bản sắc của người Hà Nhì nơi đây, loại hình cơ sở lưu trú nghỉ ngơi đa phần là những homestay - những ngôi nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì.
Du khách sẽ được hòa nhập với cuộc sống và sinh hoạt cùng với người dân bản địa để thêm hiểu rõ những nét sinh hoạt thường nhật độc đáo. Dưới đây là một số địa chỉ lưu trú mà du khách có thể tham khảo khi đến Y Tý:
-
Homestay Y Tý Clouds
-
Homestay A Hờ
-
Homestay Cô Si Y Tý
-
Homestay Minh Thương
Các địa điểm du lịch tại Y Tý không nên bỏ lỡ
Lũng Pô
Lũng Pô là tên của một dòng suối nổi tiếng ở huyện Bát Xát, là điểm đánh dấu dòng sông mẹ chảy vào Việt Nam tạo nên nền văn minh sông Hồng. Đồng thời đây cũng là nơi gìn giữ những trang sử thầm lặng vùng biên giới, nơi có những người lính biên phòng đã đứng lên chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ đất nước.
Để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai đã đề xuất ý tưởng xây dựng công trình “Cột cờ Lũng Pô” tại vị trí cột mốc biên giới 92 với kinh phí từ các nguồn xã hội hóa. Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích 2.100 m2, lá cờ có diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 anh em dân tộc ở Lào Cai. Cột cờ Lũng Pô đã trở thành biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần xung kích của tuổi trẻ để bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước.
Thung lũng Thề Pả
Thu đến là thời điểm những thửa ruộng bậc thang chuyển từ màu xanh rì bắt mắt sang sắc vàng óng ánh trên vùng đất rộng lớn, thênh thang của thung lũng Thề Pả. Nếu có cơ hội đến đây vào đúng mùa lúa chín, du khách sẽ không khó bắt gặp cảnh người dân dậy sớm ra đồng, bắt tay vào gặt lúa.
Hình ảnh thu hoạch lúa không chỉ đẹp bởi sắc vàng nổi bật hay hương lúa dạt dào trong gió, mà đó còn là thành quả lao động vất vả của nhân dân trong cả một năm trời ròng rã để thu được hạt lúa trắng tinh tươm.
Bởi tình hình thời tiết khắc nghiệt nên mỗi năm Y Tý chỉ canh tác được một vụ mùa duy nhất. Cho nên, những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín không chỉ mang nét đẹp thẩm mỹ mà đó còn là linh hồn, là cuộc sống của người dân.
Chợ phiên Y Tý
Chợ phiên Y Tý là bức tranh đặc sắc mà chỉ có ở vùng núi cao mới thể hiện rõ, là nơi trao đổi hàng hóa, vật phẩm giữa những người dân với nhau. Đến với chợ phiên, du khách sẽ được trải nghiệm chợ quê đúng chất mộc mạc, giản dị, được khám phá những món hàng đặc sắc như: thổ cẩm, các sản vật của núi rừng. Một điều đặc biệt ít nơi có đó là đa số người mua và bán ở đây không hiểu ngôn ngữ của nhau.
Chợ phiên đông đúc từ sáng sớm, nhiều hộ ở xa phải dậy sớm đi bộ từ lúc 2 giờ sáng. Trong năm, chợ phiên Y Tý vui nhộn nhất là vào cuối tháng 5 và đầu tháng 10, đây cũng là thời điểm của mùa nước đổ và thu hoạch lúa chín. Hàng năm, phiên chợ thu hút hàng trăm nghìn du khách đến thăm trong hành trình khám phá du lịch Y Tý Lào Cai.
Du lịch Y Tý tại Lảo Thẩn
Được xem là nóc nhà Y Tý, Lảo Thẩn là địa điểm săn mây lý tưởng thu hút đông đảo du khách khi đến đây. Với độ cao lên đến 2862m, đỉnh Lảo Thẩn là nơi quy tụ vẻ đẹp của sự hoang sơ hùng vĩ chốn núi rừng, kết hợp với khung cảnh huyền ảo của mây trời tạo cho du khách cảm giác hấp dẫn khó tả.
Là đỉnh núi xếp thứ 11 trong top những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, đỉnh Lảo Thẩn được đánh giá có độ có ở mức trung bình nhưng trải nghiệm quang cảnh thiên nhiên cũng tuyệt vời không kém Fansipan hay núi Bà Đen.
Vùng chân núi chủ yếu là đồi cỏ thấp, gần lên đỉnh sẽ có những bụi cỏ gai, bụi rậm. Địa hình không quá phức tạp, dọc đường đi sẽ có chỗ nghỉ chân khám phá.
Cung đường khám phá đỉnh Lảo Thẩn sẽ hấp dẫn khách du lịch bởi khung cảnh của những thửa ruộng bậc thang vàng chói, những ngôi làng đơn sơ bắt mắt. Lên núi vào khoảng 6 giờ sáng, bạn sẽ bắt trọn được khoảnh khắc tầng tầng lớp lớp mây xếp chồng lên nhau, phủ kín toàn bộ ngọn núi.
Khi mặt trời lên, ánh sáng xuyên qua làn mây rọi xuống cánh đồng tạo nên cảnh sắc cực kỳ thơ mộng, quyến rũ. Ngoài việc săn mây, du khách cũng có thể cắm trại qua đêm để tận hưởng hết vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng nơi này.
Ngải Thầu Thượng - Thôn cao nhất Việt Nam
Ở độ cao hơn 2100m so với mực nước biển, Ngải Thầu Thượng được xem là thôn làng cao nhất tại Việt Nam. Lên Ngải Thầu Thượng, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp cổ kính, hoang sơ của khu rừng tống quá sủ - những loài cây sống qua được mùa đông khắc nghiệt. Rừng tống quá sủ vừa là bức tường kiên cố che chắn gió bão, xói mòn đất cho làng dân tộc H’Mông, vừa tô điểm thêm cho vẻ đẹp vùng sơn cước.
Nhịp sống trên Ngải Thầu Thượng trở nên vui nhộn hơn vào dịp cuối năm, đặc biệt từ tháng 10 âm lịch trở đi, người dân bắt đầu vào công cuộc làm nhà trình tường. Tiếng cười nói rôm rả xen kẽ những tiếng búa chày làm nhà vang lên giữa chốn núi rừng tạo nên đặc sắc văn hóa nơi đây.
Trên cung đường khám phá Y Tý – Ngải Thầu Thượng dường như chưa có các dịch vụ du lịch lữ hành hiện đại nên nơi này vẫn còn giữ nguyên nét văn hóa, truyền thống đặc sắc dân tộc. Mỗi lần đến với Ngải Thầu Thượng, du khách sẽ bị ấn tượng bởi sự giản đơn mộc mạc của người Hà Nhì, sự sắc màu của dân tộc H’Mông, sự trong sáng vô tư của các em bé hay phong tục tập quán độc lạ nơi đây. Vẻ đẹp yên bình của vùng biên cương phía Bắc Việt Nam là minh chứng cho giả định thiên đường có thực và ta có thể chạm tay vào.
A Lù
Người dân địa phương ở đây hay có câu “Dốc A Lù – sương mù Ý Tý” để nói lên sự vất vả khi đi qua A Lù. Đường tới A Lù sẽ lần lượt đưa bạn trải qua mọi cung bậc cảm xúc bởi sự thay đổi từ đường nhựa sang đường đất, có khi đang từ một con đường bỗng nhiên lại biến mất.
Địa hình ở A Lù khá đặc biệt, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, thấp nhấp nhô trùng điệp. Giao thông ở đây cũng vô cùng khó khăn. Cũng chính vì thế đã mang đến cho A Lù một vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, giống như một bức tranh tuyệt đẹp.
Thôn Hồng Ngài
Thôn Hồng Ngài là thôn xa nhất của xã Y Tý, nằm tận cùng biên giới của tỉnh Lào Cai, trên độ cao 2.000 m so với mặt nước biển. Nơi đây toàn bộ là đồng bào dân tộc Mông với hơn 50 hộ sinh sống.
Mặc dù đây là nơi xa xôi nhất nhưng người dân ở đây có cuộc sống tương đối ổn định bởi đây là thôn trồng khá nhiều cây thảo quả - một loại nông sản mang lại giá trị cao.
Cầu Thiên Sinh
Cầu Thiên Sinh nằm ở cuối thôn Lao Chải, theo tiếng dân tộc có nghĩa là cầu “trời sinh”. Trước kia, nơi đây có một tảng đá bắc qua khe sâu của dòng suối Lũng Pô. Theo thời gian, hòn đá đó đã bị bào mòn nên người dân đã dùng thanh gỗ làm cầu, sau này xây thành bê tông. Từ trên cầu nhìn xuống, bạn có thể chiêm ngắm được vẻ đẹp hùng vĩ của dòng suối Lũng Pô, đây cũng chính là thượng nguồn của thác Bát Xát.
Dền Sáng
Ruộng bậc thang ở nơi đây mang một nét đẹp đặc trưng, một màu vàng ươm mà không nơi nào có được. Theo người dân, ruộng ở đây được cấy bằng giống lúa địa phương nên mang một ánh vàng tự nhiên, có thể nói vàng nhất ở Lào Cai.
Người dân nơi đây đã biết cách tận dụng lợi thế về khí hậu và nguồn nước để phát triển ngành nuôi cá nước lạnh. Cho đến nay, trên địa bàn có có hơn 10 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen
Lễ hội Khô già già hay còn gọi là lễ cầu mùa, cầu mưa của người Hà Nhì Đen huyện Bát Xát đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ngày 19/12/2014, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống.
Đây là lễ hội cầu mùa lâu đời và lớn nhất của người Hà Nhì đen, được tổ chức từ ngày Thìn (ngày con rồng) đến ngày Thân (ngày con khỉ) của tháng 6 âm lịch hàng năm. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để con cháu tìm về với tổ tiên, với ông bà, cha mẹ và cũng là dịp các thành viên trong cộng đồng giao lưu, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Hiện nay, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách tới tham quan và trải nghiệm.
Chợ Mường Hum
Chợ Mường Hum là nơi giao lưu, mua bán, trò chuyện và vui chơi của bà con dân tộc H’Mông, Hà Nhì, Hoa, Dao Ðỏ, Dao Tuyển, Hán. Đây cũng là nơi se duyên, hẹn hò cho các đôi trai gái.
Đến đây, du khách sẽ thấy được cảnh náo nhiệt, ồn ào tiếng nói cười với nhau cùng với những trang phục đầy sắc màu của những cô gái Mông, Dao Đỏ,… Tất cả điều đó đã tạo nên một phiên chợ đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao.
Một số món ăn đặc sản của vùng đất Y Tý
-
Nấm hương Y Tý: Sau những trận mưa rào vào tháng 4, 5 sẽ để lại những loại nấm như: nấm hương, nấm sò, nấm thông. Loại gia vị này nấu với các món ăn rất thơm, ngon. Bà con Hà Nhì rủ nhau lên rừng tìm nấm sau đó đem ra chợ bán. Du khách có thể tìm mua nấm ở các chợ sáng của người dân.
-
Bia Hà Nhì: Bia do người dân Hà Nhì nấu thủ công, mang hương vị và nét đặc trưng riêng. Gạo nếp được đãi sạch, ngâm nước 1 tiếng rồi đem đồ thành xôi. Sau khi xôi chín thì đem để nguội phơi khô và nấu thành bia. Bia lên men, để càng lâu càng ngon. Người dân thường ủ bia từ 10 đến 15 ngày.
-
Củ Hà Sin Cô: Loại củ này có bề ngoài giống củ khoai lang, được đào từ dưới đất lên. Ruột bên trong vàng, ăn thơm. Du khách tới du lịch Y Tý nhất định phải một lần thưởng thức món ăn khác lạ này.