Thứ ba, 19/03/2024, 11:48 (GMT+7)

Đợt không khí lạnh kèm mưa ở miền Bắc kéo dài đến bao giờ?

Dự báo đợt không khí lạnh đang diễn ra sẽ còn duy trì đến hết ngày mai (20/3) sau đó suy yếu nhanh và miền Bắc chuyển gió Đông Nam từ ngày 21/3.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hôm nay 19/3, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó đến một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.

Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 15-18 độ, khu vực vùng núi từ 12-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ; Bắc Trung Bộ phổ biến từ 16-19 độ.

Ngày 19/3 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa to. Từ chiều 19/3 khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Theo các chuyên gia khí tượng, ở thời điểm này trong năm thì các đợt rét thường không sâu và không kéo dài. Dự báo đợt không khí lạnh này sẽ còn duy trì đến hết ngày mai (20/3) sau đó suy yếu nhanh và miền Bắc chuyển gió Đông Nam từ ngày 21/3.

mua-dong-giam-nhiet-1683688399713349586367-175003
Dự báo đợt không khí lạnh đang diễn ra sẽ còn duy trì đến hết ngày mai (20/3)

Từ 21/3, nhiệt độ ở miền Bắc lại tăng dần, có thể chỉ còn lạnh vào sáng sớm. Tại Hà Nội, từ thứ Sáu thì nhiệt độ tăng nhanh, buổi chiều lên sát 30 độ C, cuối tuần còn nóng hơn. Các tỉnh thành khác ở miền Bắc có nhiệt độ thấp hơn Hà Nội một chút nhưng thời tiết nói chung khá ấm áp kèm theo nồm ẩm tái diễn.

Trên biển, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; ở vịnh Bắc Bộ sóng biển cao từ 2,0-3,0m; khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 2,0-4,0m.

Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục