Thứ tư, 07/02/2024, 15:34 (GMT+7)

Độc đáo nét đẹp mâm ngũ quả 3 miền Bắc - Trung - Nam ngày Tết

Mâm ngũ quả thường được trưng với 5 loại trái cây có màu sắc khác nhau. Đặc biệt, với 3 miền Bắc - Trung - Nam sẽ có những cách bài trí độc đáo, riêng biệt.

Mâm ngũ quả là một trong những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, nó sẽ được các gia đình bày biện cẩn thận lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. 

mam-ngu-qua

5 loại trái cây trong mâm ngũ quả tượng trưng cho ước muốn được ngũ phúc lâm môn: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Mỗi loại thường mang một ý nghĩa khác nhau thông qua cách sắp xếp, màu sắc hay tên gọi của chúng. Đặc biệt, ở mỗi miền Bắc - Trung - Nam, người dân lại có những cách bài trí với các loại quả khác nhau.  

Mâm ngũ quả miền Bắc

Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc thường có sự xuất hiện của nhiều loại trái cây khác nhau như: chuối, bưởi, phật thủ, sung, hồng, quất cảnh, ớt, dứa,... Họ bài trí theo kiểu truyền thống là đặt nải chuối xanh ở dưới cùng để làm giá đỡ bao quanh, sau đó sắp xếp thêm những loại quả còn lại theo hình dáng tròn đều đẹp mắt.

mien-bac

Màu sắc của mâm ngũ quả miền Bắc thường được đặc trưng bởi nét rực rỡ, hài hòa tựa theo Ngũ hành: Kim - màu trắng; Mộc - màu xanh lá; Thủy - màu đen; Hỏa - màu đỏ; Thổ -  màu vàng. Chuối xanh tượng trưng sự đầm ấm, sum vầy; bưởi vàng ý về sự giàu sang, phú quý; quất cảnh, hồng hay ớt đỏ biểu tượng cho may mắn; quả dứa có hương thơm đặc trưng thể hiện mong ước an lành, nhiều phúc lộc…

mien-bac 9 (1)

Mâm ngũ quả miền Trung

Miền Trung được biết đến là mảnh đất nhiều thiên tai, ít màu mỡ nên cây trái khó phát triển. Do vậy, mâm ngũ quả truyền thống của người dân nơi đây thường đơn giản, không câu nệ hình thức, chủ yếu quan trọng về sự thành tâm.

Khác với mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc và miền Nam, người miền Trung thường “có gì cúng nấy” nên mỗi gia đình đều có cách bài trí riêng biệt. Các loại quả thường được sử dụng là: chuối, thanh long, dưa hấu, cam, ổi… Ở một số nơi còn đặt thêm 2 cây mía ở 2 bên bàn thờ với ý nghĩa làm chiếc gậy chống để ông bà có thể về sum vầy cùng con cháu.

mien-trung 3 (1)

Do không có quy chuẩn nhất định nên cách bài trí mâm ngũ quả của người miền Trung cũng không cầu kỳ. Họ chú trọng sắp xếp sao cho vừa mắt, hài hòa là được. Những quả to sẽ xếp ở dưới, quả nhỏ sẽ bày ở bên trên.

mien-trung 1 (1)

Mâm ngũ quả miền Nam

Nếu mâm ngũ quả miền Bắc đại diện cho thuyết Ngũ hành, miền Trung đơn giản, không cầu kỳ thì miền Nam lại mang ý nghĩa Cầu - Sung - Vừa - Đủ - Xài. Điều này ngụ ý về mong ước một năm mới sung túc, đủ đầy.

mien-trung

Người miền Nam thường bài trí mâm ngũ quả với các loại trái cây như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, dứa, dưa hấu… Họ tránh một số loại quả như ớt, chuối, lê… bởi các quan niệm về sự nóng bức, đổ vỡ hay thất bại.

mien-nam 2 (1)

Cách sắp xếp mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Nam cũng thuận theo dưới to, trên nhỏ tựa dáng ngọn tháp để dễ dàng cho việc cố định. Các loại quả to và xanh như dừa, đu đủ, mãng cầu.. đặt ở dưới, quả nhỏ và chín như xoài, sung…bày lên trên. 

Cùng chuyên mục