Để tài khoản ngân hàng không bị khóa thẻ, tạm ngừng giao dịch từ 1/1/2025, người dùng cần lưu ý gì?
Từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản chưa cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân hợp lệ hoặc chưa thực hiện xác thực thông tin sinh trắc học sẽ bị khóa thẻ và tạm dừng giao dịch ngân hàng.
Những tài khoản ngân hàng nào sẽ bị khóa thẻ, tạm ngừng giao dịch từ 1/1/ 2025?
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng nhằm nâng cao bảo mật và đảm bảo an toàn trong giao dịch. Trong đó, có một số điều khoản chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025.
Thực hiện theo quy định tại Thông tư này, các ngân hàng đồng loạt phát đi thông báo yêu cầu người dùng phải cập nhật đầy đủ thông tin giấy tờ tùy thân và xác thực sinh trắc học để tiếp tục tiến hành giao dịch. Những trường hợp khách hàng có thông tin không hợp lệ sẽ bị tạm ngừng giao dịch trực tuyến và khóa thẻ.
Theo các ngân hàng, từ 1/1/2025, nếu tài khoản ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học, khách hàng sẽ không thể giao dịch chuyển khoản với bất kỳ giá trị nào; không thể liên kết, giao dịch thanh toán trực tuyến từ ví điện tử/tài khoản ngân hàng; không thể nộp, rút tiền giữa ví điện tử và tài khoản ngân hàng; không thể thực hiện thanh toán chạm Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay, Garmin Pay,…
Theo đó, những trường hợp dưới đây sẽ bị từ chối hoặc có thể tạm ngừng dịch vụ nếu không đáp ứng những yêu cầu sau:
Khách hàng không tiến hành cập nhật giấy tờ tùy thân đã hết hạn
Theo quy định mới, các giấy tờ tuỳ thân như chứng minh nhân dân (CMND), hộ chiếu hoặc căn cước công dân (CCCD) cần phải còn hiệu lực và thông tin phải được cập nhật một cách đầy đủ trong hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, kể từ thời điểm ngày 1/1/2025, tất cả thẻ CMND sẽ hết hiệu lực theo quy định của Luật Căn cước 2023. Những người chưa đổi sang CCCD bắt buộc phải đi làm thủ tục chuyển đổi và cập nhật thông tin này với ngân hàng. Do đó, nếu khách hàng không cập nhật giấy tờ tùy thân mới còn hiệu lực và đầy đủ thông tin lên hệ thống ngân hàng thì sẽ không thể thực hiện bất cứ giao dịch nào, từ các giao dịch rút tiền, chuyển khoản đến thanh toán trực tuyến.
Chủ tài khoản chưa thực hiện xác thực thông tin sinh trắc học
Việc đăng ký sinh trắc học bao gồm đăng ký các thông tin như vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt. Khách hàng có thể cập nhật dữ liệu sinh trắc học bằng cách truy cập vào ứng dụng ngân hàng hoặc tới các chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng. Theo đó, khách hàng cần chuẩn bị căn cước công dân 12 số gắn chip còn hạn sử dụng hoặc thẻ căn cước được cấp từ 1/7 theo chuẩn mới của Bộ Công an và thiết bị di động có hỗ trợ NFC. Trường hợp thiết bị không hỗ trợ NFC, khách hàng cần đến các điểm giao dịch của ngân hàng mở tài khoản.
Nếu chưa hoàn thành bước này, tài khoản của khách hàng sẽ bị tạm dừng mọi giao dịch từ ngày 1/1/2025. Đây cũng là biện pháp để xác minh chính xác danh tính chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, qua đó giúp ngăn ngừa các hành vi gian lận và giả mạo, bảo vệ được tài sản của người dùng.
Các giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú của các khách hàng nước ngoài hết hiệu lực
Những khách hàng nước ngoài hiện cư trú tại Việt Nam cũng phải cập nhật các thông tin giấy tờ khi chúng hết hạn. Việc không tuân thủ điều này sẽ dẫn đến việc bị khóa giao dịch ngân hàng.
Lưu ý, đối với tài khoản thanh toán của các tổ chức sẽ có hiệu lực từ thời điểm ngày 1/7/2025. Riêng đối với tài khoản thanh toán của cá nhân sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Chưa đủ 15 tuổi có được sử dụng tài khoản ngân hàng không?
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 17/2024/TT-NHNN, cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm: Người từ đủ 15 tuổi trở lên không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật Việt Nam; người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;
Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
Tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: Tổ chức là pháp nhân (pháp nhân Việt Nam, pháp nhân nước ngoài), doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 17 Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định về sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán gồm: Chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản như: Cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ gia tăng khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Cùng đó, việc sử dụng tài khoản thanh toán của cá nhân là người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được thực hiện thông qua người đại diện. Người đại diện thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua tài khoản thanh toán của người được đại diện theo quy định của pháp luật dân sự về giám hộ và đại diện.
Như vậy, theo quy định nêu trên, việc sử dụng tài khoản thanh toán của cá nhân là người chưa đủ 15 tuổi phải được thực hiện thông qua người đại diện. Người đại diện thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua tài khoản thanh toán của người được đại diện theo quy định của pháp luật dân sự về giám hộ và đại diện.
Thực hiện Thông tư số 17/2024/TT-NHNN và Thông tư số 18/2024/TT-NHNN, các ngân hàng đồng loạt thông báo sẽ từ chối giao dịch với những tài khoản có thông tin không khớp với dữ liệu từ Bộ Công an. Đặc biệt, đối với người nước ngoài và người gốc Việt chưa xác định quốc tịch, quy trình xác thực yêu cầu gặp mặt trực tiếp tại ngân hàng.
Kể từ đầu tháng 10 đến nay, hàng loạt ngân hàng như: Agribank, Vietcombank, Sacombank, VPBank, SHB, ACB, OCB, Nam A Bank... đã gửi thông báo tương tự cập nhật giấy tờ và dữ liệu sinh trắc học để không bị gián đoạn dịch vụ.
Trước đó, từ đầu tháng 7/2024, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN quy định việc xác thực sinh trắc học lần đầu là bắt buộc nếu khách hàng muốn chuyển tiền trực tuyến từ 10 triệu đồng một lần trở lên hoặc 20 triệu đồng trở lên trong ngày.
Quy trình xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN gồm 3 bước:
- Đầu tiên là chụp ảnh mặt trước, sau của căn cước công dân
- Chạm căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu
- Bước cuối cùng là quét khuôn mặt.