Dạy con làm quen với tiền thế nào? TS Vũ Thu Hương chia sẻ phương pháp khiến nhiều phụ huynh gật gù
Trong khi nhiều cha mẹ vẫn còn ngần ngại nhắc đến chuyện “tiền bạc” với trẻ nhỏ, lo sợ rằng điều đó sẽ khiến con trở nên thực dụng hoặc quá tính toán, thì Tiến sĩ Vũ Thu Hương lại có một quan điểm rất khác.
Cách giáo dục nào của cha mẹ vô tình tạo ra một đứa trẻ hư?
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng việc dạy trẻ làm quen với tiền từ sớm không những không sai, mà còn rất cần thiết. “Đừng tự hào vì mình nghèo mà học giỏi. Hãy tự hỏi tại sao mình giỏi mà vẫn nghèo”, chị thẳng thắn chia sẻ.
Theo TS Hương, hiểu đúng về tiền, biết tiêu tiền và học cách quản lý tài chính cá nhân nên được coi là một phần của giáo dục nhân cách. Chị đã từng áp dụng các bài học nhỏ về tài chính cho con gái mình ngay từ khi con học mầm non. Dưới đây là 6 bước chị đã thực hiện:
Làm quen với tiền từ trò chơi đồ hàng
Ở độ tuổi mầm non, trẻ rất giỏi cảm nhận hình ảnh và kích thước hơn là con số. Vì vậy, thay vì dạy con đọc mệnh giá tiền, TS Hương đã vẽ tiền giả ra giấy, in to – nhỏ khác nhau tương ứng với mệnh giá lớn – nhỏ, giúp con phân biệt một cách trực quan vì mọi thứ tiền tệ ở khắp nơi trên thế giới đều tuân theo quy luật: Tờ nào mệnh giá to thì kích thước to.
"Trẻ mầm non rất giỏi về cảm nhận nên không ngại việc nhận biết tiền khi các cháu còn nhỏ. Sau một thời gian chơi bằng tiền mẹ vẽ, con sẽ quen với tiền và các mệnh giá tiền", chị nói.
Dạy con giữ gìn tiền
Sau khi làm quen với tiền, trẻ được dạy cách giữ gìn tờ tiền cẩn thận. TS Hương hướng dẫn con gấp ví bằng giấy, sau đó cho tiền vào ví để cất. Chị nhấn mạnh với con rằng: “Tờ tiền đẹp sẽ thể hiện con là em bé biết giữ gìn, trân trọng”.
Bé rất thích chiếc ví giấy này, thậm chí còn dùng bút màu để vẽ trang trí lên đó, thể hiện sự hứng thú với việc chăm chút cho “tài sản” đầu đời của mình.
Dạy con về giá trị thực tế của tiền
Ngay từ khi con mới 2 tuổi, TS Hương đã cho con cầm tiền thật đi mua hàng. “Đơn giản chỉ là gói muối, gói hạt tiêu. Cửa hàng là bác hàng xén cạnh nhà. Buổi đầu con tự đi, mẹ đi đằng sau. Buổi sau mẹ sẽ đứng nhìn từ xa. Vài lần như vậy, mẹ sẽ kiên nhẫn ngồi đợi con ở nhà”, TS Hương chia sẻ.
Việc tự tay đưa tiền ra mua món đồ mình cần đã giúp trẻ hiểu tiền là công cụ trao đổi có giá trị thật, chứ không chỉ là đồ chơi.

Dạy con tự chi tiêu và ra quyết định
Vào bậc tiểu học, các con cần được làm quen nhiều hơn nên việc bị sai đi mua hàng ở hàng xóm sẽ nhiều hơn nhiều. Con cũng được phép vào siêu thị cùng bố mẹ với 1 khoản tiền nhỏ muốn mua gì thì mua. Lúc đó cha mẹ chỉ tư vấn và hoàn toàn tôn trọng những quyết định của con.
Việc này giúp trẻ rèn luyện khả năng lựa chọn, biết cân nhắc giữa nhu cầu và ngân sách, đồng thời học cách chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình.
Lập kế hoạch chi tiêu – bài học lớn từ những con số nhỏ
Tiếp theo, phụ huynh cần dạy con lập kế hoạch chi tiêu. Khi con đã lên lớp 5, chị Hương dạy con lập kế hoạch chi tiêu cho một khoản tiền lớn hơn.
“Bài toán là: Con có một khoản tiền dành cho một công việc nào đó của con. Khoản tiền đó bố mẹ vẫn giữ nhưng con biết là sẽ có. Con lập kế hoạch mua sắm sao cho đủ tiền mà chất lượng cũng như giá cả hợp lý. Tôi hướng dẫn con lập bảng bằng giấy và tự tính toán sao cho phù hợp. Con đã học đến lớp 5 thì mọi tính toán là đều làm được rồi. Tuy nhiên, tính kiểu đơn giản thì con sẽ dễ làm hơn là các phép tính phức tạp của kế toán”, TS Hương lấy ví dụ.
Để con tính toán và xử lý số tiền phù hợp nhất, chị sẽ đưa con đến các siêu thị, cửa hàng để con khảo giá. Sau khi khảo xong, con tự tính toán và quyết định mua gì ở đâu. Số tiền chị đưa ra thường ít hơn số cần thiết một chút để con phải đau đầu tính toán.
Phần lưu ý trong bảng con sẽ ghi địa chỉ mua món hàng đó. Sau khi con đã có bảng chi tiêu rõ ràng, chị giao tiền cho con và cùng con đi mua. Sau lần đó, con tiết kiệm hẳn và rất nhận thức được việc phải giữ gìn đồng tiền thế nào", TS Hương chia sẻ.
Giao tiền cho con quản lý và học cách chịu trách nhiệm
Sau khi con đã quen với việc lập kế hoạch và chi tiêu hợp lý, chị bắt đầu giao hẳn tiền cho con tự quản lý theo tuần hoặc theo tháng. Không phát tiền theo ngày, không kiểm soát sát sao, nhưng có nguyên tắc rõ ràng: nếu tiêu quá tay, con sẽ phải chịu hậu quả.
"Nếu con làm mất hay tiêu lẹm vào thì con sẽ phải nhịn ăn sáng hoặc ăn ít đi. Tuy nhiên, nếu phát hiện ra con nhịn ăn sáng tôi sẽ phạt rất nặng. Con đã "chống" lại tình trạng đau khổ đó bằng cách mua gạo về thổi xôi sáng. Thường thì trẻ sẽ biết tự lo thân. Ngoài ra, con rất giữ gìn những phần thưởng hàng năm con nhận được vì đó là những đồ dùng học tập cần thiết”, chị nói.