Nên nuôi con theo kiểu giàu sang hay nghèo khó?
“Phương pháp dạy con ổn nhất là không theo giàu, cũng chẳng nhất thiết phải nghèo”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
- 4 điều quan trọng khi nuôi dạy con của Marie Curie sau 100 năm vẫn đầy giá trị
- Vu Lan bàn chuyện dạy con chữ hiếu!
- Dạy con thuộc lòng 18 nguyên tắc an toàn mỗi khi ra khỏi nhà
Cuộc sống ngày càng phát triển, con người theo đuổi đời sống vật chất ngày càng cao. Đặc biệt, đối với những gia đình có con nhỏ, nhiều cha mẹ có quan điểm đầu tư mọi thứ để con có cuộc sống tốt nhất. Trong khi đó, một số phụ huynh lại muốn tạo áp lực về tiền bạc để con cái trưởng thành hơn.

Điều này làm xuất hiện 2 quan điểm khác nhau về nuôi dạy con: một là cung cấp đầy đủ vật chất để giúp trẻ tự tin phát triển; hai là cho trẻ học cách đối mặt với khó khăn, qua đó hiểu hơn về giá trị của tiền bạc.
Vậy rốt cuộc, giữa hai quan điểm nuôi dạy con này thì đâu mới là cách giáo dục tốt nhất? Để giúp bố mẹ có phương pháp nuôi dạy con phù hợp - Tiến sĩ Vũ Thu Hương đã có những chia sẻ hữu ích với Tiếp thị & Gia đình về vấn đề này.

Theo bà, nuôi con theo kiểu giàu sang và nghèo khó có gì khác nhau?
Tôi có thể hình dung nuôi con kiểu giàu sang là cho trẻ ăn sung mặc sướng, không phải động tay vào bất kể công việc gì. Cái này chưa chắc đã liên quan đến kinh tế gia đình vì có những gia đình dồn toàn lực để con sung sướng mặc dù bố mẹ có thể thiếu thốn.
Đó cũng là câu chuyện tương tự khi kiểu nuôi con nghèo khó có thể có ở các gia đình đầy đủ điều kiện nhưng muốn con mình trải nghiệm và biết trân trọng sức lao động. Vì thế, họ sẽ chỉ cho con một số thứ giới hạn chứ không chiều theo mọi đòi hỏi của con mình.
Tôi xin nhấn mạnh như vậy vì có một số quan điểm cho rằng: các con được nuông chiều, đưa rước, chăm bẵm hết sức là thể hiện sự hết lòng hy sinh cho con của các bậc làm cha làm mẹ. Điều này không chính xác! Cha mẹ cho con vừa đủ và thử thách con không phải là không biết nghĩ và không thương con. Họ có cách xử lý vấn đề hợp lý theo quan điểm của họ.

Nhiều bố mẹ ngày nay áp dụng quan điểm “Lấy nghèo dạy con trai, lấy giàu nuôi con gái”. Bà nghĩ gì về vấn đề này?
Tôi không nghĩ có sự phân biệt gì giữa con gái và con trai ở đây. “Lấy nghèo dạy con trai, lấy giàu nuôi con gái” là quan niệm mới chỉ nhìn nhận ở góc độ hẹp. Họ cho rằng phụ nữ sinh ra đã phải đối diện với nhiều sự khó khăn gian khổ, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam. Vì thế, cha mẹ nên cho con thật sự sung sướng lúc nhỏ để bù đắp. Đàn ông Việt Nam sướng hơn nên lúc nhỏ cần phải thử thách, làm khó một chút.
Tuy nhiên, nếu nghĩ sâu xa, hữu ích cho con mình thì quan niệm trên không ổn. Bởi vì cách ứng xử như vậy sẽ gây ức chế cho các con nếu gia đình có cả con trai và con gái. Nó thể hiện rõ ràng sự phân biệt đối xử giữa 2 đứa trẻ.
Về mặt tài chính cũng như về phân công lao động trong gia đình, các cha mẹ cần đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Khi đó trẻ mới không so bì, tị nạnh và ức chế.
Giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn của Trung Quốc từng cho rằng, phương pháp “nuôi con nghèo” sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, làm hạn chế khả năng phát triển của trẻ sau này. Bà nhìn nhận như thế nào về quan điểm này?
Một người quen của tôi nói rằng: “Điều kiện tốt nhất của một đứa trẻ là không có gì cả!”. Có lẽ giáo sư đã hiểu “phương pháp nuôi con nghèo” theo cách cấm đoán, ngăn cản mọi thứ của con trẻ. Định nghĩa này chưa hẳn đã chính xác.

Phương pháp nuôi con nghèo có thể sẽ được hình dung như sau:
Đứa trẻ sẽ không được đáp ứng các đòi hỏi sung sướng mà chỉ được cung cấp một số nhu cầu để phát triển. Nghĩa là đứa trẻ được chu cấp về ăn, mặc, ở,... và phải lao động, chia sẻ áp lực với người lớn. Đây không phải là điều kiện quá tệ với sự phát triển của đứa trẻ mà trái lại, đó lại là cách để kích thích đứa trẻ trưởng thành.
Tôi lấy ví dụ, thay vì giảng bài cho con, thuê gia sư, cho con đi học thêm, cha mẹ yêu cầu con tự đến thư viện tìm kiếm các kiến thức trong sách để thỏa mãn yêu cầu của bài học. Đây có thể là phương án học tập rất rẻ tiền, rất “nhà nghèo” nhưng lại là phương án hoàn hảo cho sự phát triển khả năng tự học tập, tự thu nạp kiến thức của con; cũng là cách giúp con hình thành năng lực tự giải quyết vấn đề rất tốt.

Bà có thể gợi ý một số trường hợp bố mẹ nên áp dụng 2 kiểu nuôi dạy này?
Tôi không theo phương án giàu - nghèo nào cả. Theo tôi, phương pháp dạy con ổn nhất sẽ như sau:
Cha mẹ cung cấp các nhu cầu tối thiểu cần thiết cho cuộc sống và học tập của con, đồng thời hạn chế đáp ứng các đòi hỏi không chính đáng. Gia đình có thể tự quy định là mỗi tháng hay tuần, các con sẽ được đáp ứng bao nhiêu đòi hỏi. Ngoài số đó, cha mẹ nhất thiết phải nói “không” để con hạn chế phát triển tính ích kỷ và đòi hỏi quá mức.
Cha mẹ nên tạo thách thức để con phát triển. Những đứa trẻ cũng như bầy chim non, cần phải thử thách rời ổ để tập bay cho vững vàng trước khi phải đối diện với cuộc sống sau khi trưởng thành. Những thách thức nho nhỏ do cha mẹ chủ động tạo ra sẽ giúp con mạnh mẽ dần lên, hiểu biết và tự tin hơn.

Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con được thử sức với các trải nghiệm. Những điều kiện khó khăn chút xíu sẽ là cơ hội cho con áp dụng các kiến thức đã học để tìm hiểu cuộc sống và vượt qua khó khăn.
Cha mẹ không nên coi các công việc gia đình như nhiệm vụ bắt buộc của mình trong ngày. Công việc nhà có giá trị rất lớn trong việc hình thành nhân cách và kỹ năng của trẻ. Những giờ phút lao động trong gia đình sẽ dần hình thành nhân cách tuyệt vời cho trẻ.
Xin cảm ơn Tiến sĩ về những chia sẻ thú vị này!