Đầu tàu kinh tế của cả nước giảm tốc trong quý I/2023
Mức tăng trưởng GRDP của TP.HCM được xếp hạng 56/63 địa phương, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước.
Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong quý I/2023 dựa trên dữ liệu của Tổng cục Thống kê để so sánh các chỉ số của TP.HCM với các địa phương khác trên cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Mức tăng trưởng này được xếp hạng 56/63 địa phương, thấp hơn mức trung bình chung của cả nước.
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%, làm giảm 0,91 điểm phần trăm. Còn khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản dù tăng 2,06% nhưng cũng chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP.HCM cũng giảm 0,9% so với cùng kỳ. Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,1%,sản xuất và phân phối điện tăng 1,4% và cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,3%.
Ngoại thương tiếp tục gặp khó, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ 2022. Môi trường kinh doanh còn bất lợi khi cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 9 doanh nghiệp rút lui (tỷ lệ này của năm 2022 là 50%). Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, ước chỉ 952 tỷ đồng, đạt 2,2% tổng vốn được giao, trong khi cùng kỳ giải ngân được 1.604 tỷ đồng.
GRDP quý I/2023 của TP.HCM tăng trưởng dương nhờ vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp đi lên. Khu vực dịch vụ (chiếm hơn 66,1% GRDP của thành phố) tăng 2,07%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung. Điểm sáng là 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá như bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ tăng 6,68%; giáo dục và đào tạo tăng 7,01%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất với 24,34% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm gồm vận tải kho bãi (giảm 0,63%), thông tin và truyền thông (giảm 2,7%), kinh doanh bất động sản (giảm 16,2%) và y tế và hoạt động cứu trợ xã hội (giảm 4,82%).
Cục Thống kê TP.HCM cũng ghi nhận vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI thực hiện quý I/2023 ước đạt 7.853 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ và chiếm 11,3% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn TP. Nguồn vốn này tập trung tăng cao ở một số ngành như kinh doanh bất động sản, sản xuất công nghiệp và y tế. Đây là điểm sáng bên cạnh mức tăng trưởng khá của một số ngành dịch vụ.
Tiêu dùng đang chịu áp lực giảm tốc một phần do lạm phát tại TP HCM tiếp tục tăng và cao hơn tốc độ cả nước. Bình quân quý I/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP.HCM tăng 4,5%. Trong đó, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giao thông giảm lần lượt giảm 0,3% và 1,27%. 9 nhóm ngành còn lại đều ghi nhận tăng, trong đó các nhóm tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,67%, đồ uống thuốc lá tăng 4,64%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,78%, văn hóa giải trí tăng 6,46% và giáo dục tăng 15,28%...
Theo một số chuyên gia, kết quả tăng trưởng quý I/2023 của TP.HCM đã được dự liệu từ trước nên không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, kết quả này khiến áp lực tăng trưởng dồn lên quý II và quý III.
Để TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, Cục Thống kê TP.HCM đề nghị tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai. Giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng như: Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc HCM - Mộc Bài…
Bên cạnh đó, TP.HCM cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, song song với đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư vào TP.
Tập trung hỗ trợ cho lực lượng lao động để làm động lực tăng trưởng.Cần nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, chất lượng đào tạo nghề nhằm cải thiện năng suất lao động và chú trọng thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế, giáo dục, du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả hoạt động hành chính của cơ quan Nhà nước. Tăng cường công tác dự báo, kiểm tra và bình ổn giá cả, xây dựng các giải pháp nhằm ứng phó kịp thời với những biến động của thị trườngvà giữ vững ổn định thị trường tài chính, thị trường bất động sản.