"Bức tranh" doanh nghiệp ảm đạm trong quý I/2023
Mỗi tháng trong quý I/2023, hơn 20.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn thời đỉnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình Kinh tế - Xã hội quý I/2023, cả nước có 57.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong đó, có hơn 23.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Gần 34.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 3, cả nước có 14.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 145.700 tỷ đồng và số lao động đăng ký 92.600 lao động, tăng 60,9% về số doanh nghiệp, tăng 122,2% về vốn đăng ký và tăng 81,4% về số lao động so với tháng 2/2023. Có gần 6.300 nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,1% so với tháng trước và tăng 46,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 446,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 10.600 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm 2023 là 756,7 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo khu vực kinh tế, quý I/2023 có 330 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước; 8.100 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 9,6%; 25.400 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 1,5%.
Trong khi đó, lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục lấn át trong quý I năm 2023, với con số hơn 60.000 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42.900 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1%; 4.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có gần 20.100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả này cao hơn gần 2 lần so với trung bình giai đoạn 2018 - 2022. Ngay ở thời điểm COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng như quý I/2022, cả nước có hơn 17.000 doanh nghiệp rút lui, thì vẫn thấp hơn kết quả của 3 tháng đầu năm nay.
Theo lĩnh vực hoạt động, ngành kinh doanh bất động sản và sản xuất phân phối điện, nước, gas có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, thành lập mới cao nhất. Cứ khoảng 3 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, thì có 1 doanh nghiệp giải thể trong quý I.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 cho thấy, số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn thấp hơn nhiều so với các quý năm 2022 (chỉ 24,3%). Gần 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng sụt giảm. Hơn 40% doanh nghiệp bị giảm đơn đặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, dự kiến quý II/2023, 44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2023.