Thứ tư, 04/12/2024, 16:12 (GMT+7)

Công bố nguyên nhân khiến 342 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì – xôi tiệm Cô Ba Bến Đình

Căn cứ kết quả phân tích dịch tễ học về điều tra cá thể và kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm và bệnh phẩm, kết luận vụ việc xảy ra tại tiệm bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là vụ ngộ độc thực phẩm căn nguyên do vi sinh vật (Salmonella spp, Escherichia coli) làm 342 ca mắc.

Phát hiện vi Salmonella spp trong thực phẩm tại tiệm Cô Ba Bến Đình

Sở Y tế cho biết kết quả kiểm nghiệm phát hiện có vi khuẩn Salmonella spp trong các mẫu thịt heo luộc, pa tê heo, chả lụa, rau sống ăn kèm (hành lá, ngò rí), nước sốt thịt heo; vi khẩn Escherichia coli trong mẫu rau sống ăn kèm (hành lá, ngò rí) vượt giới hạn cho phép. Đối với mẫu bệnh phẩm (chất nôn) thì không phát hiện Salmonella spp.

Căn cứ kết quả phân tích dịch tễ học về điều tra cá thể và kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm và bệnh phẩm, kết luận vụ việc xảy ra tại tiệm bánh mì - xôi cô Ba Bến Đình là vụ ngộ độc thực phẩm căn nguyên do vi sinh vật (Salmonella spp, Escherichia coli) làm 342 ca mắc, với các triệu chứng là đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, sốt, mệt.

images1986196_anh_Thanh2
Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm TP.Vũng Tàu làm việc với Tiệm bánh mì -xôi Cô Ba Bến Đình (phường 7, TP.Vũng Tàu).

Trong số 342 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì-xôi của cơ sở này đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong. Lãnh đạo tỉnh cùng ban, ngành, TP Vũng Tàu đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình nạn nhân, trao 30 triệu đồng và hỗ trợ mai táng bệnh nhận.

Tính đến ngày 1/12, còn 105 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu và Bệnh viện Bà Rịa, sức khỏe hiện đã ổn định.

Hiện, 3 cơ sở tiệm bánh mì Cô Ba Bến Đình đã bị đình chỉ hoạt động ngay trong sáng 27/11. Các cơ sở này không có giấy phép đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chủ cơ sở và người lao động không có danh sách được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe. Hiện vụ việc được chuyển Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Vi khuẩn Salmonella spp có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa… Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng.

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 12 - 24 giờ, có thể kéo dài vài ngày (lên đến 6 - 7 ngày).Dấu hiệu đầu tiên phát hiện bị ngộ độc do vi khuẩn Salmonella spp gây ra là bệnh nhân thấy buồn nôn, nhức đầu choáng váng khó chịu, sốt, đau bụng... Sau đó, xuất hiện nôn mửa và tiêu chảy nhiều lần, phân toàn nước, đôi khi có máu, đó là triệu chứng viêm dạ dày ruột cấp tính.

Ngoài ra, có bệnh nhân lại biểu hiện như một bệnh thương hàn, cảm cúm..., nghĩa là sốt rất cao (39 - 40 độ C), mệt mỏi toàn thân, đau ở vùng thắt lưng và cơ bắp.

Triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc thực phẩm đều đau bụng, đi cầu lỏng nhiều lần (trên 10 lần), nôn, sốt cao.

Thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm trên địa bàn

Nhằm bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội xuân năm 2025, UBND TP. Vũng Tàu đã chỉ đạo triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm.

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, yêu cầu Ban Chỉ đạo ATTP thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP cấp thành phố và 17 phường, xã. Đối tượng kiểm tra bao gồm: các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chợ đầu mối; siêu thị; trung tâm thương mại; cơ sở dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố. Đặc biệt, cần chú trọng các mặt hàng thường tiêu thụ nhiều trong dịp lễ Tết như thịt, sản phẩm từ thịt, rượu bia, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm…

images1986197_anhThanh1
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo ATTP thành phố vào ngày 30/11.

Ban Chỉ đạo ATTP thành phố cần tập trung công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP theo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình thanh kiểm tra, các đoàn cũng cần kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về ATTP, phổ biến các quy định pháp luật và kiến thức về lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức và sử dụng sản phẩm an toàn.

UBND các phường, xã có trách nhiệm thống kê, báo cáo toàn bộ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, kể cả cơ sở chưa đăng ký. Đồng thời, phối hợp với Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính - Kế hoạch rà soát các cơ sở kinh doanh, đưa vào hệ thống quản lý bằng công nghệ số để thực hiện quản lý khoa học, đúng quy định pháp luật.

 "Việc bảo đảm ATTP cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi nhu cầu mua sắm thực phẩm vào cuối năm tăng cao. Thành phố sẽ đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, tăng cường tần suất kiểm tra ATTP, lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, qua đó kịp thời ngăn chặn thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật", ông Hoàng Vũ Thảnh nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục