Thứ năm, 02/11/2023, 10:09 (GMT+7)

Chuyên gia chỉ cách nhận biết trẻ mắc tăng động giảm chú ý

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Trẻ em thường nghịch ngợm và hiếu động. Mà hiếu động là một trong các biểu hiện của tăng động giảm chú ý. Làm sao để cha mẹ biết được con mình có mắc chứng tăng động hay không?

Tăng động giảm chú ý là gì?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) được xem như là một rối loạn phát triển thần kinh. Rối loạn phát triển thần kinh là các tình trạng về thần kinh xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, thường là trước khi bắt đầu đi học và làm suy giảm sự phát triển của các chức năng cá nhân, xã hội, học tập và/hoặc nghề nghiệp. Chúng thường liên quan đến những khó khăn trong việc thu nhận, duy trì, hoặc áp dụng các kỹ năng hoặc thông tin cụ thể.

Rối loạn phát triển thần kinh có thể liên quan đến rối loạn chức năng ở một hoặc nhiều điều sau đây: chú ý, trí nhớ, nhận thức, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề hoặc tương tác xã hội. Các rối loạn phát triển thần kinh thường gặp khác bao gồm rối loạn phổ tự kỉ, rối loạn học tập (ví dụ, chứng khó đọc) và chậm phát triển trí tuệ.

tang dong giam chu y Tiepthigiadinh H1
Rối loạn tăng động giảm chú ý được xem như là một rối loạn phát triển thần kinh

ADHD ảnh hưởng khoảng 5 - 15% trẻ em trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ADHD thường bị chẩn đoán một cách lạm dụng, phần lớn vì các tiêu chuẩn được áp dụng không chính xác. Theo Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders ấn bản 5, ADHD có 3 dạng:

  • Giảm chú ý
  • Tăng động/bốc đồng
  • Kết hợp cả 2 dạng trên

Nhìn chung, tỉ lệ gặp ADHD ở trẻ trai cao hơn khoảng 2 lần so với trẻ gái. Trong đó, tăng động/bốc đồng chủ yếu thường xảy ra ở trẻ trai gấp 2 - 9 lần so với trẻ gái; dạng giảm chú ý xảy ra với tỉ lệ bằng nhau ở cả hai giới. ADHD có tính gia đình. ADHD không có nguyên nhân cụ thể. Các nguyên nhân tiềm ẩn của ADHD bao gồm các yếu tố di truyền, sinh hóa, vận động nhạy cảm, sinh lý và hành vi.

Dấu hiệu cụ thể cảnh báo tăng động giảm chú ý ở trẻ em

Mark Wolraich, giáo sư danh dự về nhi khoa tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Oklahoma ở Thành phố Oklahoma (Hoa Kỳ) cùng là tác giả chính của hướng dẫn chẩn đoán ADHD được cập nhật gần đây chỉ ra các dấu hiệu của ADHD ở trẻ em. Trẻ mắc ADHD có các dấu hiệu cụ thể của 3 triệu chứng ADHD chính là: hiếu động thái quá, bốc đồng và thiếu chú ý. Các hành vi đó bao gồm:

- Thường không chú ý đến chi tiết hoặc mắc lỗi bất cẩn trong học tập.

- Thường gặp khó khăn trong việc tập trung vào nhiệm vụ hoặc hoạt động vui chơi.

- Thường có vẻ không lắng nghe khi được nói chuyện trực tiếp.

- Thường không làm theo hướng dẫn và không hoàn thành bài tập ở trường, công việc nhà hoặc nhiệm vụ ở lớp (ví dụ: mất tập trung, bị sao nhãng).

- Thường gặp khó khăn trong việc tổ chức các nhiệm vụ và hoạt động.

- Thường né tránh, không thích hoặc miễn cưỡng thực hiện những công việc đòi hỏi nỗ lực tinh thần trong thời gian dài (chẳng hạn như bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà).

- Thường làm mất những thứ cần thiết cho công việc và hoạt động (ví dụ: tài liệu học tập, bút chì, sách, dụng cụ...)

tang dong giam chu y Tiepthigiadinh H2
Trẻ mắc ADHD thường không thể tập trung

- Thường dễ bị phân tâm.

- Thường bồn chồn hoặc gõ gõ tay hoặc chân hoặc vặn vẹo trên ghế.

- Thường rời khỏi chỗ ngồi trong những tình huống cần phải ngồi yên.

- Thường chạy hoặc leo trèo trong những tình huống không thích hợp.

- Thường không thể vui chơi hoặc tham gia các hoạt động giải trí một cách lặng lẽ.

- Thường xuyên di chuyển, hành động như thể được điều khiển bằng động cơ.

- Thường nói quá nhiều.

- Thường buột miệng trả lời trước khi câu hỏi được hoàn thành.

- Thường gặp khó khăn khi chờ đến lượt.

- Thường ngắt lời người khác (ví dụ: xen vào cuộc trò chuyện hoặc trò chơi).

Để xác nhận chẩn đoán ADHD, cha mẹ cần xác định được 6 triệu chứng trở lên ở trẻ từ 4 - 17 tuổi; ở trẻ từ 17 tuổi trở lên, phải xác định được 5 triệu chứng trở lên. Các triệu chứng phải bắt đầu trước khi trẻ được 12 tuổi và phải kéo dài hơn 6 tháng.

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, các triệu chứng cũng phải xảy ra ở 2 môi trường trở lên, chẳng hạn như ở nhà, trường học, các tình huống xã hội và gây ra một số suy giảm. Các triệu chứng chỉ xảy ra ở 1 môi trường có thể là dấu hiệu của một chẩn đoán khác, chẳng hạn như khuyết tật học tập hoặc căng thẳng ở nhà.

GS. Mark Wolraich đưa ra lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ: “Sẽ là một khởi đầu hữu ích nếu bạn so sánh hành vi của con với hành vi của những đứa trẻ khác cùng tuổi. Nếu con bạn không học cách ngồi yên khi tất cả bạn bè của chúng đều làm vậy, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề. Đó là lý do tại sao các giáo viên đóng vai trò quan trọng vì họ quan sát được nhiều trẻ em cùng độ tuổi trong cùng một môi trường”.

Giúp đỡ trẻ như thế nào?

Tiến sĩ, nhà tâm lý học trẻ em chuyên về ADHD tại Hoa Kỳ Yamalis Diaz cho biết: “Sự can thiệp vào hoạt động hằng ngày có liên quan trực tiếp đến các vấn đề về mất tập trung, hiếu động thái quá hoặc bốc đồng. Ví dụ, những biểu hiện của trẻ ở nhà có thể là xung đột hàng ngày với cha mẹ hoặc anh chị em, làm gián đoạn hoạt động của gia đình. Ở trường, phụ huynh có thể nghe giáo viên phàn nàn về việc trẻ không hoàn thành bài tập, không tập trung, khó ngồi yên hoặc có hành vi gây rối nói chung (ví dụ: la hét, gây ồn ào). Trẻ mắc ADHD có thể gặp phải những thách thức xã hội khiến chúng khó kết bạn, duy trì tình bạn hoặc tham gia các hoạt động xã hội một cách thích hợp. Điều này có thể dẫn đến sự từ chối của xã hội”.

tang dong giam chu y Tiepthigiadinh H3
Trẻ mắc ADHD cần được gặp chuyên gia để được chẩn đoán và hỗ trợ

Nếu trẻ được chẩn đoán mắc chứng ADHD, TS. Diaz khuyên cha mẹ nên nhờ chuyên gia đã chẩn đoán giúp con vượt qua các giai đoạn sau:

1. Xác định các lĩnh vực ưu tiên cần quan tâm.

2. Lên kế hoạch cho các bước tiếp theo như sau:

- Phối hợp với chuyên gia sức khỏe tâm thần thực hiện liệu pháp hành vi hoặc nhận thức

Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp cha mẹ học và thực hành các chiến lược nuôi dạy con cái hiệu quả nhất để quản lý những thách thức liên quan đến ADHD, bao gồm cách sắp xếp các công việc hàng ngày, đưa ra những hướng dẫn hiệu quả để trẻ có thể dễ dàng thực hiện hơn, củng cố các hành vi tích cực và phát triển kỹ năng, đồng thời hãy sử dụng các chiến lược kỷ luật hiệu quả để đáp lại những hành vi tiêu cực, chẳng hạn như hành vi chống đối.

- Kết hợp trị liệu hành vi và dùng thuốc

Đây là phương pháp vô cùng quan trọng và được đánh giá là hiệu quả nhất để điều trị ADHD. Cha mẹ cũng nên thảo luận về các lựa chọn thuốc với bác sĩ tâm thần trẻ em hoặc bác sĩ nhi khoa của con

- Nói chuyện với giáo viên

Trẻ mắc chứng ADHD thường gặp một số thách thức ở trường ảnh hưởng đến hoạt động học tập của chúng. Phụ huynh nên nói chuyện với giáo viên, cố vấn hoặc nhà tâm lý học của trường về các cấp độ hỗ trợ khác nhau tại trường.

Cùng chuyên mục