Tọa đàm chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp hành động, cộng đồng hưởng lợi
Sáng 29/10, Tiếp thị & Gia đình phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề ‘Chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp hành động, cộng đồng hưởng lợi’. Sự kiện diễn ra nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tiêu dùng xanh và kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.
Tham dự tọa đàm có bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng. Đại diện nhà tài trợ Acecook gồm ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban đối ngoại cùng các nhân sự khác trong công ty.
Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường và phát triển bền vững, việc chuyển đổi xanh đã trở thành xu hướng tất yếu. Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Đặc biệt, 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng về bảo vệ môi trường.
Những số liệu này phản ánh một sự chuyển biến mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người Việt, đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất. Họ cần không chỉ thay đổi nhận thức của người tiêu dùng mà còn phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao mà vẫn duy trì lợi nhuận.
Tọa đàm là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp thảo luận về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời chia sẻ những lợi ích mà cộng đồng và xã hội có thể nhận được từ các chiến lược này.
Sự kiện cũng mang lại những thông tin thực tiễn về chiến lược phát triển bền vững. Qua đó, báo chí có thêm góc nhìn sâu sắc về xu hướng kinh doanh xanh, góp phần lan tỏa thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, cần có quyết sách đủ mạnh để đầu tư cho môi trường, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, trong khi doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện.
Diễn đàn bao gồm bốn nội dung chính: Xu hướng chuyển đổi xanh trong kinh doanh hiện nay; những hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm bảo vệ môi trường; vai trò và lợi ích của cộng đồng từ các chiến lược xanh; và đề xuất giải pháp cho sự phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các diễn giả tập trung thảo luận về những tồn tại trong chính sách, điểm yếu của doanh nghiệp, và vai trò của báo chí truyền thông trong hành trình hướng đến nền kinh tế xanh. Sự kiện này không chỉ tạo ra một diễn đàn trao đổi ý tưởng mà còn là cơ hội để kết nối các bên liên quan trong nỗ lực chung vì một tương lai bền vững.
Hy vọng rằng qua những cuộc thảo luận sâu sắc tại tọa đàm này, những giải pháp thiết thực sẽ được đề xuất, giúp doanh nghiệp và cộng đồng cùng nhau hành động vì một cuộc sống xanh hơn, bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau.
NỘI DUNG TOẠ ĐÀM
Các chuyên gia đánh giá như thế nào về sự thay đổi theo hướng tiêu dùng xanh? Liệu đó có phải là xu thế tiêu dùng chủ đạo trong thời gian tới?
- TS. Trần Thị Hồng Minh: Sự chuyển dịch từ các sản phẩm nhựa sang vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy hay ống hút tre không chỉ phản ánh ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng mà còn là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế xanh.
Chuyên gia nhấn mạnh rằng sự thay đổi này không chỉ mang tính thời điểm mà đang dần hình thành một xu hướng tiêu dùng bền vững, khi mà ngày càng nhiều người dân ý thức được tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa.
“Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng mới trong tiêu dùng, nơi mà trách nhiệm xã hội và sự bền vững trở thành những yếu tố hàng đầu. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất cần nhanh chóng nắm bắt xu thế này, phát triển các sản phẩm thay thế hiệu quả hơn, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà còn là trách nhiệm của họ trong việc xây dựng một tương lai bền vững hơn cho cộng đồng”, TS. Minh nhấn mạnh.
- PGS. TS Bùi Thị An đồng tình với ý kiến của TS. Trần Thị Hồng Minh. Theo bà, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu, mang tính quy luật phát triển bền vững. Thực trạng hiện giờ đặt ra là phải thay đổi thói quen cũ. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cần phải tìm ra những vấn đề bất cập đối với Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
PGS. TS An nhấn mạnh, đã là xu thế tất yếu không ai có thể quay ngược lại, do đó, làm thế nào để người tiêu dùng có thể nhận thức đầy đủ, hiểu được giá trị của nó, đó là vấn đề. Cần cho doanh nghiệp hiểu được trước mắt không có lợi nhuận nhưng sẽ có lợi về lâu dài cho doanh nghiệp. Chính vì thế, để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, Nhà nước phải vào cuộc tìm nút thắt, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bằng các cơ chế chính sách phù hợp. Đây là những vấn đề mới, khó khăn nhưng dứt khoát phải làm được.
Như đã nói, để thay đổi được một thói quen cố hữu trong nhiều năm là điều không dễ nhưng chúng ta đang làm và đã có những kết quả ban đầu. Có được điều này trước hết phải nói đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Vậy để chuyển mình theo hướng xanh hóa như vậy, doanh nghiệp phải làm gì?
- TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, việc thay đổi một thói quen lâu năm không phải là điều dễ dàng, nhưng chúng ta đang chứng kiến những kết quả khả quan ban đầu. Để đạt được điều này, trước hết, phải ghi nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần chủ động tích cực trong việc phát triển và cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường. Để chuyển mình theo hướng xanh hóa, doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững, đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Bà cũng đề xuất rằng doanh nghiệp nên tạo ra các chiến dịch truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm xanh.
"Không chỉ là trách nhiệm với môi trường, việc này còn giúp xây dựng thương hiệu và tăng cường lòng tin của khách hàng”, bà nói thêm.
Một ví dụ điển hình là Công ty Acecook, đơn vị hàng đầu về mặt hàng tiêu dùng. Thưa ông Phạm Trung Thành, Acecook đã làm gì để chuyển đổi xanh trong sản xuất?
- Ông Phạm Trung Thành: Mục tiêu phát triển bền vững không chỉ của riêng Acecook Việt Nam mà còn là định hướng của cả công ty tại Nhật Bản. Thời gian qua, doanh nghiệp đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, cải tiến quy trình để phục vụ việc chuyển đổi xanh trong sản xuất. Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như:
Về biện pháp tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, Acecook Việt Nam đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái trên tòa nhà văn phòng TCT và nhà máy tại TP HCM, sắp tới đây, khi xây nhà máy mới tại Vĩnh Long thì cũng được lắp đặt sẵn hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái này.
Với đặc thù sản phẩm của mình, doanh nghiệp cũng hướng tới mục tiêu giảm nhựa thông qua hoạt động chuyển đổi bao bì mì ly từ ly nhựa sang ly giấy, ở các dòng sản phẩm như mì ly Modern - chiếm hơn 50% tổng sản lượng mì ly bán ra của công ty, mì ly Handy Hảo Hảo, mì ly Caykay,… giúp giảm thiểu đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Một trong những hoạt động khác không kém phần quan trọng trong mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, nhằm giúp giảm phát thải, chính là việc chuyển đổi từ lò hơi đốt than sang lò hơi biomass. Hiện doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để hoàn tất chuyển đổi cho tất cả nhà máy trong năm nay.
Mới đây, để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với 1 đơn vị thứ ba uy tín, để cùng nhau thực hiện thu gom, tái chế bao bì giấy.“Doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp khác để tiếp tục thực hiện, nhằm cải tiến hơn nữa về sản phẩm, về quy trình sản xuất và cả cách vận hành doanh nghiệp, để hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh của cả tập đoàn”, - đại diện Acecook Việt Nam nhấn mạnh.
Cái khó của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng khi chuyển đổi xanh gần như là sự “thay máu” từ bao bì, vỏ hộp, phụ kiện… có nghĩa là họ sẽ phải đối mặt với 1 núi công việc liên quan đến tất cả các khâu. Theo các chuyên gia, đâu là khó khăn lớn nhất doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phải đối mặt khi chuyển đổi xanh?
- PGS. TS Bùi Thị An: Doanh nghiệp có một số vấn đề, một là nguồn vốn, chi tiết cho tín dụng thế nào, thời gian bao lâu, lãi suất là bao nhiêu? Hai là, giải pháp công nghệ trong quá trình như thế nào bởi nguồn cung không sạch thì nguồn cầu cũng sẽ không sạch.
Theo PGS. TS An, để minh bạch hóa, Chính phủ nên có ngân hàng dữ liệu về các doanh nghiệp làm sạch, từ đó hỗ trợ thiết thực hơn, để nâng cao vị thế những người làm sạch để họ đi đầu trong xã hội. Ngoài ra, có thể xây dựng ngân hàng dữ liệu các doanh nghiệp đang làm kinh tế tuần hoàn tốt, sản xuất xanh tốt mà Nhà nước có thể quản lý được, người dân giám sát được. Như vậy, doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội sẽ phấn khởi, chia sẻ lợi nhuận cho xã hội.
Vì thế cần phải tôn vinh những doanh nghiệp này, tạo điều kiện cho họ phát triển, cần đồng bộ về cơ chế chính sách, quản lý xã hội. Tất cả nên làm trên nền thực chất, đánh giá thực chất để hỗ trợ thực chất, từ đó doanh nghiệp có những sản phẩm thực chất đến người tiêu dùng.
Xin mời ông Thành chia sẻ cụ thể một số khó khăn Acecook đang gặp phải?
- Ông Phạm Trung Thành: Không chỉ Acecook Việt Nam mà các doanh nghiệp khác cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi xanh. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là chi phí đầu tư. Để có thể thực hiện một số hoạt động như đã kể trên thì chi phí đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chuyển đổi bao bì không hề nhỏ. Đây là một bài toán khó cho doanh nghiệp trong sản xuất, khi vừa phải đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vừa cung cấp sản phẩm chất lượng mà giá thành phải hợp lý.
Khó khăn tiếp theo chính là nguồn cung ứng bền vững. Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ, hay nguyên vật liệu bền vững trên thị trường còn ít, dẫn đến giá thành cho các dịch vụ và nguyên liệu khá cao, gây nhiều khó khăn dù doanh nghiệp rất muốn thực hiện chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những đơn vị cung cấp các giải pháp bền vững, để doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận và chuyển đổi với chi phí hợp lý.
"Một yếu tố cũng rất quan trọng chính là bản thân doanh nghiệp mặc dù muốn thực hiện chuyển đổi xanh nhưng cũng chưa được trang bị nhiều kiến thức, chúng tôi phải tự mày mò học hỏi, cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, vừa làm vừa đánh giá, để điều chỉnh và nâng cao hơn mỗi ngày".
"Tôi tin dù giai đoạn ban đầu sẽ có nhiều khó khăn nhưng nếu chúng ta quyết tâm, nỗ lực thực hiện từng bước một thì cũng sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng là đưa doanh nghiệp đi đúng con đường chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững, không chỉ giúp ích cho bản thân doanh nghiệp mà còn giúp ích cho môi trường, xã hội”, đại diện Acecook Việt Nam cho hay.
Nhiều người cho rằng Việt Nam đang thiếu chính sách hỗ trợ phát triển xanh, các chính sách hướng đến phát triển tiêu dùng xanh còn thiếu đồng bộ, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Các chuyên gia có thể chỉ qua một số chính sách tiêu biểu hiện nay và còn thiếu những chính sách cụ thể như thế nào?
- TS. Trần Thị Hồng Minh: Hiện nay, Việt Nam đang thiếu các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển xanh, và những chính sách hiện có chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến việc chưa tạo được động lực đủ lớn cho các doanh nghiệp.
TS. Minh chỉ ra một số chính sách pháp luật tiêu biểu có nền tảng bước đầu như Nghị định 08, Luật Bảo vệ Môi trường, Quyết định 678 về phát triển kinh tế tuần hoàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Mới đây nhất là dự thảo nghị định phát triển cơ chế tuần hoàn.
Hiện nay, như Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã có những bước đi đầu tiên, nhưng vẫn còn thiếu các biện pháp cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm xanh.
“Chúng ta cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường”, TS. Minh đề xuất.
Ngoài việc nhận được các ưu đãi từ chính sách thì chuyển đổi xanh cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp trên thương trường. Có ý kiến cho rằng, thay vì “đối phó” thì doanh nghiệp nên chủ động để đón đầu và hưởng lợi từ chính sự thay đổi này. Các chuyên gia có đồng tình với nhận định này không?
- TS. Trần Thị Hồng Minh: Trong mục tiêu phát triên bền vững, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để họ bớt lỗ ban đầu như tăng hỗ trợ nguyên liệu đầu vào. Người tiêu dùng phải được hỗ trợ về giá bởi qua trận bão Yagi vừa rồi, một bộ phận không nhỏ gặp khó khăn, cho nên những sản phẩm xanh nếu vẫn giữ giá cao thì họ không dám tiêu dùng.
Do vậy, liên quan đến chính sách của Nhà nước, TS. Minh cho rằng phải có một quỹ hỗ trợ sản phẩm xanh ban đầu để hỗ trợ người dân để họ khỏi bất ngờ về giá cả. Vì vậy, sản phẩm xanh phải đạt mục tiêu thật, tức là sản phẩm xanh phải được sản xuất và đến được tay người tiêu dùng, phải kiểm tra xem có đến được với người tiêu dùng hay không, nếu không đến được thì vì sao?
Mục tiêu sản xuất xanh phải là mục tiêu xuyên suốt, cụ thể và chi tiết chứ không thể chung chung, phải hỗ trợ cho những người khó khăn và người tiêu dùng, hỗ trợ phải đúng, phải thích hợp.
Từ đầu chương trình chúng ta đã nói khá nhiều về những khó khăn doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng gặp phải khi xanh hóa. Vậy thuận lợi và cái được của doanh nghiệp ở đây là gì?
- Ông Phạm Trung Thành: Chuyển đổi xanh tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng đem lại nhiều lợi ích khi thúc đẩy sản xuất và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh những lợi ích mang lại cho xã hội như giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải, thì doanh nghiệp cũng được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh.
Ví dụ hiện nay tòa nhà văn phòng tổng công ty đặt tại TP HCM vận hành dùng 100% điện từ hệ thống năng lượng mặt trời áp mái cho hơn 400 cán bộ nhân viên làm việc, giúp tối ưu và tiết giảm chi phí dài hạn.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi xanh trong quy trình sản xuất và vận hành cũng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh lãng phí nguồn tài nguyên.
Một lợi ích khác là các hoạt động chuyển đổi xanh của doanh nghiệp giúp tăng cường uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường, tạo lòng tin, sự trung thành của khách hàng và thu hút được nhân tài. Bằng chứng là việc ngày càng nhiều người trẻ có xu hướng chọn làm việc tại các doanh nghiệp có cam kết trách nhiệm với xã hội.
Điều quan trọng nhất là việc thực hiện chuyển đổi xanh giúp chúng tôi sẵn sàng đối ứng trước những yêu cầu và biến động của thị trường, khi ngày càng nhiều quốc gia xuất khẩu có những tiêu chuẩn bền vững khắt khe hơn đối với sản phẩm. Đây cũng là cơ hội mở ra những thị trường tiềm năng, cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tốt chuyển đổi xanh.
- TS Trần Thị Hồng Minh: Mặc dù doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng có nhiều thuận lợi và lợi ích từ xu hướng này.
Việc chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu mà còn thu hút được một lượng khách hàng ngày càng lớn, những người đang ngày càng quan tâm đến tiêu dùng bền vững. Điều này tạo ra cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng doanh thu cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, bà cũng chỉ ra rằng việc áp dụng công nghệ xanh vào quy trình sản xuất bền vững có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí dài hạn thông qua việc giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa nguồn lực. Các doanh nghiệp sớm chuyển mình sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn lựa sản phẩm xanh. Xu hướng xanh không chỉ là nghĩa vụ xã hội mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định vị thế và phát triển bền vững trong tương lai.
Tên tọa đàm ngày hôm nay nhắc đến 2 vấn đề chính là hành động của doanh nghiệp và cái lợi của khách hàng, người dân. Cụ thể, khách hàng được gì khi sử dụng những sản phẩm xanh?
- PGS. TS Bùi Thị An: Gần đây xuất hiện rất nhiều bệnh mới bởi người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm không xanh. Nhiều người gia đình bị bệnh hiểm nghèo, ung thư nhất là ở vùng sâu vùng xa về nằm la liệt ở bệnh viện, một người bị bệnh cả gia đình ngay lập tức gặp khó khăn, không có tiền chữa trị.
Trước hết, lợi ích của người tiêu dùng khi được tiêu dùng những sản phẩm xanh là cái lợi cho sức khỏe bản thân, không thể đo đếm bằng tiền. Chính vì vậy, tôi kiến nghị với truyền thông vào cuộc tiếp tục tuyên truyền mưa dầm thấm lâu để người dân hiểu hơn, ngẫm hơn rằng tiêu dùng những sản phẩm không xanh sẽ nguy hại như thế nào, và không nên ăn những sản phẩm độc hại để giữ gìn sức khỏe, trí tuệ.
Nhận thức của người dân về sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh còn hạn chế, thậm chí nhiều người, nhiều nơi còn là điều xa lạ. Để lan tỏa mạnh mẽ những điều này báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Theo các chuyên gia, các cơ quan báo chí, truyền thông cần tuyên truyền như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong hành trình xanh này?
- TS. Trần Thị Hồng Minh: Nhận thức của người dân về sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh còn hạn chế, và nhiều người vẫn coi đây là điều xa lạ. Để lan tỏa mạnh mẽ những giá trị này, báo chí có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động tích cực hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Bà Minh nhấn mạnh rằng các cơ quan báo chí và truyền thông cần tập trung vào việc tạo ra những nội dung dễ hiểu, gần gũi và thiết thực về lợi ích của sản phẩm xanh. Ngoài ra cần phải tăng cường tuyên truyền về những câu chuyện thành công của người tiêu dùng đã thay đổi thói quen tiêu dùng để từ đó tạo động lực cho cộng đồng.
Ngoài ra, các phương tiện truyền thông có thể tổ chức các chiến dịch truyền thông lớn, kết hợp giữa trực tuyến và ngoại tuyến, nhằm giáo dục người dân về lợi ích và sự cần thiết của tiêu dùng xanh.
Ở góc độ người đứng đầu cơ quan báo chí, Nhà báo Nguyễn Công Tâm có chia sẻ gì về điều này?
- Nhà báo Nguyễn Công Tâm: Các cơ quan báo chí luôn song hành cùng doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh. Các nhà báo, phóng viên đã đi sâu vào việc lan tỏa, truyền tải về những nội dung liên quan đến việc thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo động lực cho cộng đồng. Theo đó, các bài viết, phóng sự được báo chí thực hiện đã cho thấy xu hướng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường đã đi vào đời sống.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng thường xuyên áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân sự, bắt kịp xu thế với hình thức truyền thông đa phương tiện.
Dưới góc độ người đứng đầu cơ quan báo chí, ông Tâm khẳng định: “Các cơ quan báo chí sẽ luôn đồng hành cùng những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này để lan tỏa, thực hiện thắng lợi công cuộc chuyển đổi này”.
Các sản phẩm xanh làm từ nguyên liệu tre nứa, gỗ… hầu hết không tái chế được. Vậy về lâu dài có khi nào chúng ta lại rơi vào con đường thiếu nguyên liệu và lại phải quay trở lại với những sản phẩm có độ bền cao, bền vững?
- TS. Trần Thị Hồng Minh: Việc sử dụng các sản phẩm xanh làm từ nguyên liệu tre, nứa và gỗ đang trở thành xu hướng tích cực. Tuy nhiên, vấn đề tái chế và tính bền vững của những sản phẩm này là điều cần được xem xét kỹ lưỡng, bởi các sản phẩm này có vòng đời ngắn, nguyên liệu để sản xuất ra có thể trồng được, bán được tín chỉ cacbon.
Bà Minh cho rằng, mặc dù nguyên liệu tự nhiên có nhiều lợi ích, nhưng nếu không được quản lý và khai thác bền vững, chúng ta có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong tương lai. Điều này có thể dẫn đến việc phải quay trở lại với những sản phẩm có độ bền cao, vốn không thân thiện với môi trường.
Bà Minh khẳng định rằng sự phát triển bền vững trong sản xuất sản phẩm xanh phải gắn liền với trách nhiệm quản lý tài nguyên, để đảm bảo rằng chúng ta không chỉ cải thiện môi trường mà còn duy trì nguồn nguyên liệu cho các thế hệ sau.
- PGS. TS Bùi Thị An: Nguyên liệu là tầm vĩ mô, tầm quốc gia bởi đây là bài toán liên quan đến quy hoạch lớn, tổng thể. Để doanh nghiệp sản xuất được thì phải có nguồn nguyên liệu, nguyên liệu có một số phải nhập ngoại hay trồng trong nước, vấn đề này rất quan trọng. Khi doanh nghiệp phát triển xanh trong lĩnh vực này thì phải chuẩn bị những gì, quy hoạch thế nào, nhập khẩu ra sao thì mới lâu dài.
Chính vì vậy, phải có quy hoạch, thử nghiệm rủi ro. Điều này rất tốt với khoa học, doanh nghiệp, sản xuất vì trong khoa học không thể thành công 100%. Để doanh nghiệp đỡ lo hay những người làm đỡ lo, vấn đề này cần mang tính chiến lược lâu dài.
Để kiến nghị lên cơ quan quản lý, bộ ngành về các chính sách cần thiết cho việc phát triển tiêu dùng xanh, chúng ta sẽ kiến nghị điều gì?
- TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh rằng để phát triển tiêu dùng xanh hiệu quả, cần thiết phải có những kiến nghị rõ ràng gửi tới cơ quan quản lý và các bộ ngành liên quan. Theo bà, trước tiên, chính sách cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm xanh. Điều này có thể thực hiện thông qua các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ, giúp người dân hiểu rõ lợi ích và tính ưu việt của các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, cần phải thiết lập các chế tài nghiêm ngặt để xử lý các hành vi bán hàng giả mạo, làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm xanh. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh.
“Các cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, như giảm thuế cho các sản phẩm xanh hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và mở rộng sản xuất, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tiêu dùng”, TS. Minh kiến nghị.
- Ông Phạm Trung Thành: Để phát triển tiêu dùng xanh, điều trước tiên và quan trọng nhất là đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của tiêu dùng xanh và bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, Acecook Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình giáo dục cộng đồng về dinh dưỡng thì định hướng tiếp theo của công ty trong thời gian tới chính là thực hiện các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, xây dựng những tiêu chuẩn cùng các ưu đãi cho sản phẩm xanh cũng là yêu cầu cần thiết. Điều này giúp tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khi lưu hành các sản phẩm này trên thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhiều người tiêu dùng được tiếp xúc, sử dụng, ủng hộ sản phẩm xanh.
Ngoài ra, việc hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp tiến tới chuyển đổi xanh cũng là một việc làm cần thiết.
“Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh cũng nên được lưu ý để việc thực hiện chuyển đổi được đồng nhất từ trên xuống dưới, như đầu tư cơ sở, phương tiện thu gom tái chế, phân loại rác thải, khuyến khích mô hình phân phối và logistic xanh, khuyến khích sử dụng phương tiện xanh như bus xanh, xe điện,… đồng thời hỗ trợ các chương trình sáng kiến về chuyển đổi xanh như tái chế, xử lý chất thải,… khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp”, đại diện Acecook Việt Nam nhấn mạnh.
- PGS. TS Bùi Thị An: Để góp phần thực hiện cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050, ngay từ bây giờ chúng ta phải có lộ trình cụ thể. Giai đoạn năm 2024, thậm chí năm 2025, Chính phủ nên có những chỉ đạo rà soát, đánh giá lại toàn bộ trong vấn đề sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đang ở cấp độ nào, hoặc lĩnh vực nào đang tốt hơn, lĩnh vực nào đó không tốt, vì sao kèm theo nguyên nhân.
Trên cơ sở những đánh giá thực chất, rà soát như thế, từ lĩnh vực cụ thể sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác để tháo gỡ, đây là mục tiêu thiên niên kỷ, là việc nhất thiết phải làm. Vì vậy, Chính phủ có thể giao ban hàng tháng, hoặc giao ban 3 tháng và có chỉ đạo cụ thể thì mới thực hiện được.
Nhà báo Nguyễn Công Tâm - đại diện Tiếp thị & Gia đình tổng kết, đánh giá bế mạc tọa đàm
Nhà báo Nguyễn Công Tâm nhận định, tọa đàm đã nhận diện được những thuận lợi, lợi ích của quá trình chuyển đổi xanh đối với các chủ thể (cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp, người tiêu dùng).
Cũng trong khuôn khổ của tọa đàm, đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia đã chỉ ra các điểm nghẽn, vướng mắc còn tồn đọng trong quá trình này.Về phía doanh nghiệp, đại diện Acecook đã có những kiến nghị chi tiết để doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu chiến lược của mình, hướng đến tăng cường, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.
Về phía khách mời, các chuyên gia đều thống nhất, quá trình chuyển đổi xanh cần có sự chung tay từ cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Những nội dung, ví dụ và các kiến nghị cụ thể từ đại diện doanh nghiệp, chuyên gia sẽ góp phần giúp các chủ thể nhận thức được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi xanh” - nhà báo Nguyễn Công Tâm nhấn mạnh.
- Xu hướng chuyển đổi xanh, tiêu dùng bền vững: Doanh nghiệp hành động, cộng đồng hưởng lợi
- 4 hãng taxi lâu đời tại Hà Nội bắt tay Xanh SM chuyển đổi xanh với 1.000 xe điện
- Giải bài toán tài chính - Cách VinFast giúp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi xanh
- Sẵn 1,5 tỷ đồng, không biết nên vay tiền mua nhà hay đầu tư ngắn hạn để tích thêm: Chuyên gia ‘gỡ rối’ với loạt lời khuyên hữu ích
- Doanh nghiệp TP HCM chung tay quảng bá Giải thưởng Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam năm 2024
- Doanh nghiệp TP HCM liên kết đầu tư để tăng giá trị cho sản phẩm
- Chuyên gia truyền thông ‘mách nước’ kỹ năng xử lý khủng hoảng doanh nghiệp
- Tôn vinh 177 Doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu năm 2024
- Thời buổi khó khăn, doanh nghiệp có nên cắt giảm chi phí quảng cáo? Chuyên gia tiết lộ sai lầm của hầu hết của doanh nghiệp, khiến người tiêu dùng 'bỏ quên' thương hiệu