Chi tiêu bao nhiêu cho Tết là đủ?
Việc chi tiêu ngày Tết đôi khi khiến nhiều người phải đau đầu tính toán. Chi tiêu bao nhiêu là đủ cho một cái Tết vẫn luôn là câu chuyện muôn thuở.
Thực tế cho thấy, không có một con số cụ thể nào cho việc chi tiêu Tết được xem là hợp lý mà tùy vào điều kiện kinh tế và nhu cầu của từng gia đình.
Chị Bích Diệp (Hà Nội) chia sẻ, dịp Tết Giáp Thìn năm nay, hai vợ chồng chị dự định chi tiêu khoảng 40 triệu đồng. Cụ thể, gia đình chị sẽ biếu ông bà nội ngoại tổng số 10 triệu đồng, tiền lì xì cho họ hàng khoảng 13 triệu đồng, sắm đồ lễ (hoa, quả, bánh kẹo, rượu) hai bên nội ngoại khoảng 4 triệu đồng, sắm đồ mặn cúng ba ngày Tết hết khoảng 4 triệu đồng, tiền hoa và trang trí nhà cửa tiêu tốn khoảng 2 triệu đồng, mua quần áo Tết cho cả nhà 4 triệu đồng, ngoài ra còn gửi lễ cúng nhà thờ Tổ hết khoảng 3 triệu đồng.
Theo chị Diệp, vợ chồng chị đều có thu nhập khá nên khoản tiền chi tiêu trên không phải là quá lớn. Trong đó, chị chú trọng nhất đến khoản chi mua thực phẩm, đồ lễ để thờ cúng tổ tiên và khoản lì xì cho những đấng sinh thành.
“Tết đến mình có thể cắt giảm khoản mua quần áo mới, sắm đồ trang trí nhà cửa nhưng việc chi tiêu cho thực phẩm, các đồ lễ để thờ cúng tổ tiên trên ban thờ để thắp nén nhang hướng tới nguồn cội là điều không thể thiếu được. Ngoài ra, mình cũng rất chú trọng đến việc biếu Tết cho những đấng sinh thành đã vất vả nuôi dưỡng hai vợ chồng nên người đến hôm nay”, chị Diệp bộc bạch.
Mặt khác, cũng có nhiều chị em chia sẻ chỉ dự tính tiêu từ 10-20 triệu cho những ngày Tết, đã bao gồm cả việc sắm sửa đồ trang trí nhà cửa, mua thực phẩm dự trữ, quà biếu hai bên nội ngoại và tiền lì xì trẻ con, người lớn tuổi.
Chị Nguyễn Hà (ở Thái Bình) cho biết, theo tính toán của chị, chi phí dành cho Tết Nguyên đán của gia đình chị (gồm 2 người lớn) hết khoảng 20 triệu đồng.
Theo chị Hà, hai vợ chồng thu nhập được hơn 15 triệu đồng mỗi tháng, thưởng Tết cao nhất cũng chỉ được thêm một tháng lương, nên gia đình chị phải chọn cách chi tiêu hợp lý nhất để Tết vẫn đủ đầy, vẫn vui mà không tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình.
“Công việc không đều nên tôi dự định chi khoảng 20 triệu cho tất cả các khoản chi tiêu Tết năm nay, bao gồm cả việc sắm sửa đồ trang trí nhà cửa, mua thực phẩm dự trữ, quà biếu hai bên nội ngoại và tiền mừng tuổi...
Tôi thường lì xì cho người già từ 100.000-500.000 đồng/người. Đối với trẻ con, học sinh, tôi lì xì từ 20.000-100.000 đồng. Tổng cộng số tiền tôi lì xì là khoảng 7 triệu đồng”- chị Hà cho hay.
Về quà biếu hai bên nội ngoại, chị Hà cho biết: “Nếu có điều kiện kinh tế khá giả thì việc mua sắm đồ Tết, mua quà biếu cho bố mẹ hai bên rất dễ dàng. Nhưng với những người kinh tế không dư dả thì lại khác, bắt buộc phải tính toán trong khả năng của mình”.
Ngoài ra, chị còn tốn nhiều khoản chi khác như: mua bánh kẹo, hoa quả, hoa, giò, đồ sắm tết… Theo chị Hà, số tiền 20 triệu đồng này là không quá nhiều, đảm bảo cho gia đình chị có một cái Tết đủ đầy, vui vẻ.
“Tôi cho rằng, Tết là thời gian nghỉ ngơi, mọi người không nên đặt nặng vấn đề chi tiêu quà cáp, lì xì, chỉ cần mua sắm đơn giản, vừa tiết kiệm, lại vừa đỡ vất vả, bận rộn. Tôi thích dành thời gian đi thăm gia đình, bạn bè trong dịp Tết, không quá chú trọng vào việc ăn uống, nên không mua nhiều đồ ăn trong dịp này”.
Để có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm, không áp lực, việc lên kế hoạch chi tiêu rất cần thiết. Theo các chuyên gia tư vấn tài chính, mỗi nhà cần lên kế hoạch chi tiêu tết càng cụ thể càng tốt và cần phải dựa trên điều kiện kinh tế hiện tại của gia đình.
Bạn nên mua sắm trước Tết một tháng để có nhiều sự lựa chọn và giá cả rẻ hơn, tránh việc mua sắm sát ngày Tết vì vừa hết hàng mà giá thành lại cao. Một số chị em chọn việc mua sắm chung hay săn hàng giảm giá cũng là một cách tiết kiệm chi tiêu.
Chung quy, việc dành bao nhiêu tiền cho ngày Tết không giống nhau, tùy thuộc vào các chi tiêu cũng như ngân quỹ của từng gia đình. Đừng để các khoản tiền chi tiêu trong dịp Tết trở thành gánh nặng. Quan trọng nhất, Tết vẫn là phải vui.