“Cháy túi” với 6 khoản chi tưởng nhỏ nhưng rất tốn kém
Những khoản chi nhỏ như phí dịch vụ ngân hàng, phí gia hạn mua ứng dụng điện thoại hoặc thức ăn dư trong tủ lạnh… đôi khi chúng ta không quá để tâm. Tuy nhiên về lâu về dài, những khoản chi này cộng lại sẽ tiêu tốn của chúng ta một khoản rất lớn.
Rất nhiều người đôi khi tự hỏi “không biết tiêu gì mà hết tiền?” trong khi không mua sắm món đồ gì giá trị. Có thể bạn đã mất tiền vào 6 khoản chi tưởng nhỏ nhưng rất tốn dưới đây.
Phí dịch vụ ngân hàng
Các loại phí dịch vụ ngân hàng thường khá nhỏ như phí rút tiền từ ATM, phí thông báo biến động số dư qua điện thoại hàng tháng... là các khoản chi thường rất ít người để ý, tuy nhiên về lâu dài nó sẽ tiêu tốn của bạn khá nhiều tiền bạc.
Theo khảo sát, trung bình một người phải chi trả 5 USD/tháng để duy trì phí dịch vụ của thẻ thanh toán không lãi, và khoảng 16 USD cho thẻ thanh toán có lãi. Số tiền này nhân lên một năm là khá lớn, đặc biệt với những người có thu nhập hạn chế.
Để tiết kiệm khoản tiền này, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm một ngân hàng khác để sử dụng, vì hiện nay có rất nhiều ngân hàng không thu thêm phí dịch vụ hàng tháng. Còn nếu bạn vẫn muốn sử dụng ngân hàng cũ thì có thể bạn sẽ phải trả tiền dịch vụ nhiều hơn cả số lãi mà bạn nhận về.
Đồ giảm giá
Săn được những món đồ mình yêu thích được giảm giá luôn đem lại cho chúng ta cảm giác thỏa mãn. Tuy nhiên, mạnh dạn chốt đơn chỉ vì món đồ sale lại là một chuyện khác. Vì nếu cứ thấy sale là bạn sẽ mạnh tay chi tiền, thì chẳng mấy chốc bạn sẽ cháy túi.
Vì vậy, để tiết kiệm tiền, bạn hãy dành thời gian để cân nhắc lợi và hại khi chi tiền mua món đồ đó, hãy tự đặt ra câu hỏi món đồ đó có thật sự cần thiết không? bạn đã có món đồ tương tự chưa?... Việc làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm được cho mình thêm một số tiền không nhỏ.
Gói đăng ký dịch vụ
Rất nhiều người thường quên hủy gia hạn các gói dùng thử miễn phí sau khi hết hạn như: các ứng dụng di động, bản quyền phần mềm, truyền hình… Nếu không hủy khi hết hạn người dùng sẽ bị tính phí dịch vụ mà không hay biết, hậu quả là sau một thời gian dài bạn sẽ làm thất thoát khoản tiền lớn.
Để tránh mất tiền không đáng có, bạn hãy thường xuyên chú ý tới lịch sử giao dịch ngân hàng mỗi tháng. Tốt nhất hãy kiểm tra xem mình có cài đặt thanh toán tự động trên các thiết bị hay không. Đồng thời, bạn cũng cần cẩn thận kiểm tra sao kê ngân hàng để nắm rõ các khoản chi trong tháng của mình.
Thức ăn thừa
Tài chính không quá dư giả nhưng nhiều bạn thường xuyên ăn uống không có kế hoạch rõ ràng, điều này dẫn đến việc lãng phí tiền bạc. Nhiều người có thói quen mua sắm thực phẩm quá nhiều so với khẩu phần ăn, hay thường xuyên mua tích trữ dẫn đến quá hạn gây lãng phí.
Thế nên, trước khi đi chợ hay siêu thị, bạn nên kiểm tra kỹ số đồ ăn còn thừa ở nhà. Cùng với đó, hãy cố gắng sử dụng hết thực phẩm trước khi hết hạn, cách này sẽ giúp bạn tối ưu hóa chi tiêu ăn uống.
Gia hạn bảo hành
Việc gia hạn bảo hành với xe hơi, đồ gia dụng hay các thiết bị điện tử khác có khả năng giảm thiểu chi phí sửa chữa trong tương lai. Song, đối với một vài người, đây không phải là một quyết định chi tiêu hiệu quả.
Đôi khi, chi phí bảo hành vượt xa số tiền sửa chữa về sau, hoặc tệ hơn, không hề bao gồm phí trả cho những vấn đề bạn mắc phải. Thay vì bỏ thêm tiền gia hạn bảo hành, bạn hãy cân nhắc dành riêng một khoản chi cho những trường hợp sửa chữa hoặc thay mới đồ dùng cần thiết.
Lãi suất thẻ tín dụng
Lãi suất thẻ tín dụng chính là nguyên nhân lớn khiến nhiều người rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí mất khả năng chi trả. Thẻ tín dụng là một phương án tiêu dùng tiện lợi, tuy nhiên nếu quá lệ thuộc vào chúng, nó sẽ làm gia tăng áp lực tài chính khi bạn thanh toán không đúng hạn.
Vì thế nếu vẫn đang nợ thẻ tín dụng, bạn hãy cố gắng trả nợ sớm nhất có thể, hoặc tốt nhất bạn nên chuyển sang dùng tiền mặt hoặc thẻ thanh toán thông thường, tránh trường hợp quên thanh toán đúng hạn gây phát sinh khoản lãi lớn.