"Cha mẹ sinh con, trời sinh tính" có đúng?
Tính cách không phải ngẫu nhiên mà có, ngoài yếu tố di truyền, môi trường sống, thì tính cách còn hình thành từ việc giáo dục và bản thân của mỗi cá nhân biết tự điều chỉnh mình.
Chúng ta thường thấy mỗi đứa trẻ sẽ có một tính cách khác nhau. Tính cách đó một phần xuất phát từ bản năng của đứa trẻ, có từ lúc sinh ra. Một phần sẽ được hình thành trong quá trình lớn lên, khi đứa trẻ được tiếp xúc với cuộc sống của gia đình và môi trường xã hội. Trong gia đình, khi giáo dục con cái, cha mẹ thường mong con sẽ nghe lời. Tuy nhiên, sẽ có những đứa trẻ khi đến tuổi dậy thì sẽ có xu hướng làm trái ý cha mẹ. Do đó, trong dân gian thường có câu "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính" để giải thích việc này.
Chị Nguyễn Mai Phương - Gò Vấp, TP.HCM cho biết, tính cách của một đứa trẻ tốt hay xấu phụ thuộc nhiều vào gia đình cũng như môi trường sống mà con tiếp xúc. “Tôi tin rằng, nếu từ nhỏ được ba mẹ giáo dục tốt, tiếp xúc với những người tốt, thì trẻ sẽ tốt”, chị Phương chia sẻ.
Chị Nguyễn Diễm Phương, Quận 5 cho biết: “Dù từ nhỏ, mình tạo cho con môi trường sống tốt. Nhưng khi lớn lên, đến tuổi nổi loạn con chỉ thích làm những gì mình muốn thôi, nên đôi khi cũng hơi mệt mỏi”.
Giáo dục con là việc mà cha mẹ nào cũng làm, nhưng một số đứa trẻ sẽ có tính cách khác biệt rất lớn so với những gì cha mẹ mong đợi. Tuy nhiên, khi đứa trẻ không ngoan, khi trẻ phạm lỗi, đều có nguyên do, mà không phải cha mẹ nào cũng chịu khó tìm hiểu và tìm cách giải quyết cùng con. Thông thường, khi con sai, cha mẹ sẽ có xu hướng trách phạt đứa trẻ, nhưng lại không chịu lắng nghe thấu hiểu nguyên nhân sâu xa. Lâu dần, khi đứa trẻ không nhận được sự động cảm thấu hiểu từ cha mẹ, chúng sẽ hình thành tính cách không như mong muốn của các bậc phụ huynh. Do đó, vai trò của cha mẹ là rất lớn trong việc hình thành tính cách của con trẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chuyên gia Tâm lý cho biết, khi tính cách con trẻ được hình thành từ trong gia đình, vai trò của người cha, người mẹ rất quan trọng. Bởi chính người cha, người mẹ là người định hướng, điều chỉnh, và thay đổi môi trường tốt hơn cho con. “Khi con trẻ chúng ta có những thói quen không tốt, hoặc có những hành vi không tốt, cha mẹ phải ngay lập tức dành thời gian để định hướng lại cho con và điều chỉnh hành vi cho con”, chuyên gia chia sẻ.
Thực tế, ngoài việc thừa hưởng từ cha mẹ, tính cách của một đứa trẻ chủ yếu được hình thành và phát triển từ những trải nghiệm mà đứa trẻ được tiếp nhận trong cuộc sống. Trong đó, môi trường gia đình có ảnh hưởng lớn đến tính cách của trẻ. Những cách ứng xử với nhau của các bậc cha mẹ chính là tấm gương cho các con noi theo. Gia đình hạnh phúc, hòa thuận, thì con cái luôn sống trong không khí vui vẻ, yêu thương lẫn nhau. Ngược lại, với những đứa trẻ từ nhỏ tiếp xúc với môi trường mà cha mẹ có tính tình nóng nảy, thì con cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Sau khi lớn lên, trẻ sẽ được đến trường và rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, kiến thức bổ ích tại trường học. Khi trẻ được bạn bè quan tâm, khen ngợi, được thầy cô ân cần chỉ dạy, động viên, trẻ sẽ hình thành được sự tự tin, tính năng động, ham học hỏi, và tâm lý thoải mái để học tập hiệu quả.
Bên cạnh các yếu tố tác động trực tiếp từ gia đình, bạn bè, thầy cô, thì môi trường sống xung quanh cũng khá quan trọng. Nếu trẻ nhỏ được sinh sống và lớn lên trong một khu phố văn minh, trẻ sẽ biết cách cư xử, tương tác, và có tâm lý tốt. Thậm chí, ngay đến khi trưởng thành, dù tính cách đã tạm thời ổn định, song nó vẫn tiếp tục được hoàn thiện.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, chuyên gia Xã hội học cho biết, việc đầu tiên chúng ta cần làm đó là làm gương. Thông thường nếu cha mẹ là người tử tế, thì con sẽ noi gương và trở thành người tử tế. “Chúng ta hãy cứ làm gương trước, từ cái cách ứng xử với mọi người xung quanh trong gia đình, họ hàng, cho đến xã hội. Chúng ta có là người tử tế không, sau đó sẽ dạy con cách giúp đỡ ông bà, cha mẹ, cách giúp đỡ bạn bè xung quanh, cách giúp đỡ thầy cô. Một đứa trẻ tử tế nó đến từ một đứa trẻ được yêu thương. Đứa trẻ được sống trong tình yêu thương, được quan tâm, chăm sóc, đối xử tử tế, tôn trọng, thì những đứa trẻ như vậy thường sẽ tử tế với người khác”, chuyên gia chia sẻ.
Tính cách không phải ngẫu nhiên mà có, ngoài yếu tố di truyền, môi trường sống, thì tính cách còn hình thành từ việc giáo dục và bản thân của mỗi cá nhân biết tự điều chỉnh mình. Điều này có nghĩa là dù mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách khác nhau, đó có thể là tốt hoặc chưa tốt, nhưng cha mẹ vẫn có thể can thiệp và ảnh hưởng được. Do đó, cha mẹ cần quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để giúp con có sự phát triển tính cách trọn vẹn nhất.