Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 09/02/2024, 11:00 (GMT+7)

Cha mẹ nên cho trẻ ăn uống thế nào trong dịp Tết?

Những ngày Tết, trẻ thường di chuyển đến nhiều nhà và ăn nhiều đồ ăn vặt, uống nước ngọt nhiều hơn bình thường. Làm thế nào để trẻ được cung cấp đủ dinh dưỡng nhất?

Kỳ nghỉ Tết là khoảng thời gian đáng mong đợi với nhiều đứa trẻ vì chúng được đi chơi nhiều và được ăn uống nhiều bánh kẹo và các loại nước hơn bình thường. Trẻ uống nhiều nước ngọt, ăn nhiều bánh kẹo trước hoặc trong khi ăn sẽ dẫn tới có cảm giác no tới bữa không ăn hoặc chán ăn.Nước ngọt có ga là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như béo phì, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, gout, loãng xương...

Bên cạnh đó, giờ giấc sinh hoạt dịp Tết cũng dễ bị đảo lộn khiến sau Tết, nhiều trẻ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa hơn. Để phòng tránh điều này, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

Thức ăn và đồ uống                

Những món ăn ngày Tết thường chứa nhiều đạm, nhiều đường và dầu mỡ như: bánh chưng, giò chả, đồ chiên rán, mứt, bánh kẹo, các loại hạt… Hãy hạn chế hết sức cho trẻ ăn những loại thực phẩm này. Các món lên men như: dưa, kiệu, dưa chuột bao tử... cũng không nên cho trẻ ăn.

an uong
Hạn chế để trẻ ăn văt

Nên cho trẻ ăn ít nhất 1 bữa có cơm trong ngày, bữa còn lại không kịp ăn cơm, có thể nấu bún, miến, bánh đa… để trẻ dễ tiêu hóa mà vẫn có lượng tinh bột. Bữa ăn cần đảm bảo đủ cả chất đạm từ thịt và chất xơ từ rau củ. Các loại sữa, sữa chua, phomai cũng rất cần thiết cho trẻ.

Cha mẹ nhớ cho trẻ uống thật nhiều nước. Hạn chế cho bé uống nước ngọt đóng hộp, các loại nước có ga.

Bổ sung vitamin và nước cho trẻ từ các loại quả. Nếu các mẹ chưa tiện hạ mâm ngũ quả thì có thể mua nhiều trái cây để trẻ ăn dần ngày Tết. Một số loại trái cây không cần để tủ lạnh tránh bị ho mà để được lâu ở nhiệt độ thường trong dịp Tết là: bưởi, quýt, đu đủ, vú sữa, táo xanh...

Không cho trẻ ăn thực phẩm dễ bị ôi thiu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước, đồ ăn cay nóng... đề phòng tiêu chảy. Để ý kỹ khi bé ăn đồ ăn nhỏ như bánh, kẹo, thạch… phòng tránh bị hóc dị vật.

Thời gian ăn đúng giờ

Cha mẹ cần duy trì thói quen ăn uống đúng giờ cả 3 bữa sáng, trưa, tối. Chế độ ăn uống không đảm bảo, lại di chuyển nhiều khiến trẻ mệt mỏi. Việc thay đổi bất ngờ thói quen sinh hoạt dễ dẫn đến sự suy giảm miễn dịch, tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn tấn công.

Do đó, cha mẹ cần sắp xếp lịch trình trong ngày tết phù hợp với lịch sinh hoạt thường ngày của trẻ, để khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, trẻ có thể quay trở lại nếp sống sinh hoạt và học tập dễ dàng hơn.

Không đi ngủ quá muộn

an uong
Cho trẻ đi ngủ đúng giờ

Giấc ngủ cũng có ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ của trẻ. Trẻ vui chơi quá giờ, thức khuya, dậy muộn làm lỡ thời gian ăn sáng sẽ tác động tiêu cực đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Thức khuya cũng khiến trẻ bị đói nhiều hơn và ăn nhiều đồ vặt, dễ dẫn đến thừa cân, hại dạ dày. Để duy trì nếp sinh hoạt tốt cho trẻ, cha mẹ nên chú ý thời gian, không cho trẻ đi chơi quá muộn và không cho xem nhiều thiết bị điện tử…

Cùng chuyên mục