Thứ hai, 17/06/2024, 13:44 (GMT+7)

Xuất hiện ‘ma trận’ quảng cáo trại hè, phụ huynh cẩn trọng mắc bẫy

Phong Nha (Tiếp thị & Gia đình)

Từ những quảng cáo trên mạng xã hội, nhiều người đã mắc bẫy lừa đảo khi tham gia đăng ký các khóa học trại hè sau đó dẫn dụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Ma trận" quảng cáo "trại hè..."

Một ngân hàng vừa đưa ra thông báo về tình trạng các đối tượng lừa đảo lợi dụng thời điểm học sinh nghỉ hè để đăng tin, quảng cáo các chương trình, khóa học giả mạo gắn mác “Trại hè” nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ các bậc phụ huynh.

Theo đó, thời điểm chuẩn bị kết thúc năm học cũng là lúc các bậc cha mẹ tìm kiếm các khóa học hè cho con em mình. Nhiều người đã mắc bẫy lừa đảo khi tham gia đăng ký các khóa học, cuộc thi như "Trại hè kỹ năng - Chiến sĩ CAND nhỏ tuổi", "Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND", "Trại hè học kỳ quân đội", "Trại hè hướng nghiệp hàng không", các giải chạy Marathon Kid… trên mạng xã hội Facebook.

Ngân hàng vừa cảnh báo thủ đoạn mạo danh "trại hè", giải chạy để lừa đảo.

Theo ngân hàng này, các đối tượng lừa đảo tạo các tài khoản trên các trang mạng xã hội và sử dụng hình ảnh của các cơ quan chức năng, sử dụng trái phép hình ảnh của các chương trình có thật khác… để mạo danh và đăng các nội dung quảng cáo lừa đảo về các khóa học này.

Dẫn dắt vào nhóm kín, khi phụ huynh đăng ký tham gia chương trình, đối tượng sẽ dẫn dắt nạn nhân tham gia các nhóm trên Zalo hoặc Telegram. Tại đây, nạn nhân được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ nhằm tăng điểm tín nhiệm hoặc hưởng nhiều ưu đãi như miễn phí đi lại, ăn ở…

Nạn nhân sẽ được yêu cầu mua các vật phẩm và chuyển tiền vào tài khoản mang tên công ty. Đối tượng lừa đảo hứa hẹn rằng số tiền này sẽ được hoàn trả ngay lập tức.

Sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ báo giao dịch "bị lỗi" và yêu cầu chuyển tiếp tiền để được hoàn lại các khoản trước. Khi đã chiếm đoạt được một số tiền lớn hoặc khi nạn nhân bắt đầu nghi ngờ, kẻ gian sẽ ngay lập tức khóa toàn bộ các kênh liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

TH
Một nhóm trại hè mạo danh đang được chạy quảng cáo rầm rộ trên Facebook nhằm lừa đảo phụ huynh.

Nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng ngân hàng khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, tư cách pháp nhân, giấy phép tổ chức của các đơn vị tổ chức khóa học, sự kiện trước khi đăng ký. Trường hợp là các trường học, học viện, cơ quan Nhà nước, phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp đến các đơn vị này để trao đổi, xác minh trước khi đăng ký.

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền và mục đích chuyển tiền. Trường hợp nghi vấn đối tượng lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời.

Những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, do đó sự cảnh giác của mỗi người dân là yếu tố quan trọng để bảo vệ tài sản và tránh rơi vào bẫy của kẻ gian.

Không thực hiện nhiệm vụ, chuyển tiền cho người lạ

Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ cần gõ tìm kiếm trên Google hoặc Facebook với từ khóa "trại hè", đã có kết quả tới hàng chục nghìn lượt tìm kiếm cùng vô vàn hội nhóm cho nội dung này. 

Các trại hè, khóa học rất đa dạng về cả nội dung và hình thức, thường được tổ chức với thời gian từ một tuần đến cả tháng, với giá thành từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Các đối tượng còn chạy quảng cáo để các thông tin này tiếp cận được người dân ở khắp các tỉnh thành.

Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM đã phát đi thông báo khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo tinh vi mang các tên gọi như: “Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND”, “Trại hè học kỳ Quân đội”, “Trại hè hướng nghiệp hàng không”.

A LĐ
Công an TPHCM khuyến cáo một số trang Fanpage giả mạo trại hè hướng nghiệp hàng không Vietnam Airlines để lừa đảo trên mạng xã hội.

Với những thông tin đăng tải, các đối tượng lừa đảo giới thiệu rằng, có kết nối các đơn vị Công an, Quân đội trên toàn quốc. Học viên tham gia được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng CAND, QĐND; được hỗ trợ ăn uống, đồng phục và chứng nhận của các đơn vị Công an, Quân đội.

Khi các phụ huynh tiếp cận thông tin, liên lạc để đăng ký tham gia chương trình cho con em, các đối tượng cung cấp mã ứng tuyển của học viên và số điện thoại Zalo của tư vấn viên, dẫn dắt truy cập vào Zalo để đăng ký thông tin cá nhân. Sau khi đăng ký thông tin cá nhân, phụ huynh bị các đối tượng dẫn dắt tham gia nhóm trên mạng xã hội Telegram thực hiện các nhiệm vụ, đóng tiền rồi chiếm đoạt tài sản.

Có những trường hợp do tin tưởng thông tin trên các trang Facebook, Fanpage mà phụ huynh đã chuyển tiền theo các tài khoản chỉ định, để đăng ký cho con em tham gia khoá học. Tuy nhiên sau khi nhận được tiền, các đối tượng đã chiếm đoạt rồi chặn mọi liên lạc với phụ huynh.

Để tránh bẫy lừa này, Công an TPHCM cũng như Bộ Công an và Công an các tỉnh thành đưa ra các khuyến cáo: người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về các khóa học trên mạng để tránh bị lừa đảo. Khi nhận được thông tin từ các trang Facebook, Fanpage có nội dung giới thiệu về các khoá học Công an, Quân đội hay các đơn vị Hàng không... các bậc phụ huynh cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp, được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký.

Cùng chuyên mục