Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 15/06/2024, 10:53 (GMT+7)

‘Bắt bài’ chiêu cam kết lấy lại tiền bị lừa đảo

Trên mạng xã hội xuất hiện một số đối tượng tự xưng là luật sư, cán bộ công an, chuyên viên công nghệ… với các bài viết, video quảng cáo sẽ giúp lấy lại tiền cho những người từng bị kẻ gian lừa đảo, hay bị “treo tiền” trên các ứng dụng làm nhiệm vụ “nhận thưởng”.

Theo ghi nhận của phóng viên, những đối tượng này lợi dụng tâm lý nạn nhân khi bị mất tiền, thường lên các trang mạng xã hội để than vãn, hỏi thăm, tìm lời khuyên để lấy lại được tiền bị lừa trên mạng xã hội. Qua đó, các đối tượng đã tiếp cận để thao túng tâm lý, an ủi, dẫn dụ nạn nhân chuyển một khoản tiền gọi là “phí dịch vụ” hay “phí ủy quyền xử lý”... để điều tra giúp lấy lại tiền bị lừa đảo. 

Sau khi “con mồi” bị thuyết phục và chuyển tiền, các đối tượng sẽ biến mất không dấu vết. Hiện nay, có không ít người dân bị lừa với số tiền hàng trăm triệu đồng qua hình thức trên, những người này bị lừa rồi lại tìm đến các dịch vụ lấy lại tiền lừa đảo khác, rồi tiếp tục lặp lại vòng xoáy bị các đối tượng khác lừa tiền.

Lừa đảo
Nhiều thông tin quảng cáo lấy lại tiền bị lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội.

Anh Đặng Ngọc Long (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) từng bị các đối tượng môi giới việc làm lừa 1,5 triệu đồng với cam kết tìm được việc làm với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Sau khi bị lừa, anh đã lên mạng xã hội Facebook để đăng bài cảnh báo, ngay sau đó, nhiều tài khoản cá nhân và fanpage đã liên hệ và ngỏ ý muốn giúp anh lấy lại tiền bị mất.

“Họ nói sẽ lấy lại tiền bị mất cho tôi với phí dịch vụ là 500.000 đồng. Vì nghĩ số tiền không quá lớn và họ cũng nói chuyện rất thuyết phục nên đã đồng ý chuyển tiền cho họ. Ngay sau khi chuyển tiền thành công, họ đã chặn trang cá nhân và cắt đứt mọi liên lạc”, anh Long chia sẻ.

Trong khi đó, Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, bản thân luật sư và công ty luật của anh vẫn thường xuyên bị một số đối tượng mạo danh để tiếp cận với các khách hàng (thậm chí bỏ tiền ra để chạy quảng cáo để tiếp cận khách hàng).

Theo đó, các đối tượng mạo danh là Luật sư và có khả năng lấy lại số tiền bị lừa, bị "treo" trên hệ thống khi làm nhiệm vụ thông qua các nền tảng mạng xã hội, đa số xảy ra ở nước ngoài và bằng ứng dụng Telegram.

Các đối tượng đưa ra các thông tin sai sự thật về khả năng lấy lại số tiền bị lừa đảo, giả mạo một số giấy tờ có liên quan để con mồi "sập bẫy" và yêu cầu khách hàng chuyển cho họ 1 khoản phí thông thường từ 5-20% số tiền bị chiếm đoạt và bằng nhiều thông tin gian dối, sau khi lấy được khoản phí này thì các đối tượng chặn liên lạc thậm chí bỏ tài khoản. 

“Rõ ràng đây là hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017, tuỳ theo tính chất mức độ cũng như thiệt hại gây ra mà các đối tượng có thể bị truy cứu lên đến tù chung thân”, Luật sư Cường cho biết.

LS
Luật sư Trần Minh Cường bị mạo danh trên mạng xã hội.

Ngoài ra, luật sư Trần Minh Cường cũng đưa ra khuyến nghị, hầu hết các trường hợp bị lừa đảo thông qua các nền tảng xã hội được các đối tượng thực hiện thục hiện ở nước ngoài và nếu có tại Việt Nam bọn chúng thường ngay lập tức chuyển các khoản tiền liên quan đến các tài khoản ma.

“Không có luật sư hay bất kỳ cá nhân nào (mạo danh bộ tài chính, công an....) có thể cam kết lấy lại khoản tiền bị lừa đảo chiếm đoạt này mà việc làm cần thiết là các bị hại nên trình báo cơ quan công an nơi xảy ra sự việc để được tiếp nhận, xử lý các hành vi của các đối tượng theo quy định pháp luật”, luật sư Trần Minh Cường chia sẻ.

Theo luật sư Trần Minh Cường, cách đây không lâu anh đã bị một số đối tượng mạo danh trên mạng xã hội để lừa một khách hàng với thủ đoạn như trên với số tiền 16.000 USD (để được hỗ trợ lấy lại 100.000 USD).

Trước đó, Công an TP Thủ Đức, TPHCM đã phát đi thông báo tất cả các thông tin đăng tải, chạy quảng cáo trên mạng có thể giúp lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng xã hội đều là giả mạo.

Đồng thời, Công an TP Thủ Đức khuyến cáo người dân dừng ngay việc tiếp tục gửi tiền, chặn tất cả các số liên lạc của các đối tượng lừa đảo nếu không muốn tiếp tục bị mất tiền.

Công an TP Thủ Đức khuyến nghị khi gặp các trường hợp trên, người dân nên liên hệ ngay với ngân hàng, tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch. Trường hợp các nạn nhân đã bị lừa đảo mất tiền trên mạng xã hội phải lưu lại bằng chứng, trình báo cho công an nơi lưu trú nắm rõ vụ việc, củng cố hồ sơ để các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ việc.

Cùng chuyên mục